Tư vấn về nghỉ không hưởng lương và điều kiện hưởng chế độ thai sản

Câu hỏi: Xin kính chào luật Toàn Quốc, Tôi xin tư vấn mấy vấn đề về nghỉ không hưởng lường và hưởng chế độ thai sản như sau: 1. Tôi hiện công tác tại cơ quan nhà nước, đã có hợp đồng không kỳ hạn từ tháng 2/2012. Đến tháng 6/2014, vì lý do cá nhân, tôi đã xin phép giám đốc cơ quan cho nghỉ không hưởng lương 01 năm (đến hết tháng 6/2015) và được chấp thuận, có đóng bảo hiểm tự nguyện đầy đủ.

Trong thời gian nghỉ, tôi đã sinh con vào tháng 10/2014 nhưng không báo cáo với cơ quan, vẫn coi như tôi đang nghỉ không hưởng lương. Nay nếu tôi muốn xin nghỉ không hưởng lương tiếp 06 tháng trong trường hợp được lãnh đạo đơn vị chấp thuận thì có vấn đề gì không? Có luật nào quy định thời hạn tối đa được xin nghỉ không hưởng lương? Liệu cơ quan có cớ để chấm dứt hợp đồng lao động với tôi sau này?

2. Cùng vấn đề trên, sau khi sinh con tôi chưa báo cáo cơ quan, nhưng khi đi làm trở lại, liệu tôi có được truy lĩnh để hưởng chế độ thai sản (ngày nghỉ và các chế độ khác), nếu có thì thủ tục xin hưởng chế độ như thế nào?

3. Nếu tôi nghỉ không hưởng lương cả năm 2015 thì đến đầu năm 2016 tôi có được phép xin nghỉ phép năm không, thậm chí là có thể xin được gộp phép 3 năm nghỉ 1 lần hay không?

Tôi rất mong hồi âm của luật gia, tôi xin chân thành cảm ơn.

>> Tư vấn thắc mắc về chế độ BHXH, Thai sản, gọi: 0926 220 286

Tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, về việc nghỉ việc không hưởng lương của bạn

Tại Khoản 3 Điều 116 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.

Như vậy, bạn có thể nghỉ việc không hưởng lương tiếp 6 tháng nữa nếu được đơn vị sử dụng lao động của mình đồng ý.

Pháp luật lao động hiện hành không có quy định về thời hạn tối đa xin hưởng lương. Thời gian nghỉ không hưởng lương hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Căn cứ để người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động được quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2012:

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

…”.

Lý do xin nghỉ việc không hưởng lương của bạn không là căn cứ để người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn. Vì vậy, đơn vị sử dụng lao động của bạn không thể lấy lý do bạn xin nghỉ không hưởng lương làm căn cứ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn.

Thứ hai, về việc hưởng chế độ thai sản của bạn theo quy định pháp luật hiện hành

Tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Như vậy, nếu chị đáp ứng các điều kiện nêu trên thì chị được hưởng chế đô thai sản.

Khoản 1 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con:

“Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.”.

Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

Người lao động phải nộp hồ sơ cho phía người sử dụng lao động, hồ sơ bao gồm sổ bảo hiểm xã hội và giấy chứng sinh (hoặc bản sao giấy khai sinh). Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho bên Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, bạn không nộp hồ sơ cho bên sử dụng lao động (đến nay đã hơn 6 tháng sau khi sinh).

Theo Điều 2 của Công văn 4448/BHXH-TCKT quy định đối với trường hợp người lao động nộp hồ sơ chậm cho đơn vị sử dụng lao động để thanh toán thì BHXH Việt Nam giao cho Giám đốc BHXH tỉnh xem xét, giải quyết, chi trả trợ cấp và quyết toán với cơ quan BHXH theo quy định. Như vậy, bạn phải hoàn thiện hồ sơ để người sử dụng lao động gửi cho BHXH, BHXH sẽ gửi lên Giám đốc BHXH tỉnh để xem xét và giải quyết cho bạn hưởng chế độ thai sản.

Thứ ba, về vấn đề nghỉ hằng năm của bạn

Theo quy định của Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng thì được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm . Như vậy, thời gian nghỉ việc không hưởng lương của bạn trong 1 năm không được xem là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng để nghỉ gộp nghỉ hằng năm (tối đa không quá 3 năm 1 lần).

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *