Chính sách thôi việc ngay theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP

Hỏi: Chào luật sư cho em hỏi bố em sinh năm 1966 đang là chủ tịch liên đoàn lao động huyện từ năm 1983-1996 bố em công tác tại rạp chiếu bóng nhưng em không biết lúc đó đã có bảo hiểm chưa.

Từ năm 1996 – 2015 bố em công tác tại liên đoàn lao động huyện và được tính bảo hiểm từ năm 1996. Bố em làm bên công tác đảng nên hưởng phụ cấp hàng tháng là 30% lương và 25% phụ cấp công chức. Có 55% phụ cấp lương của bố e là 9.500.000/tháng. Còn không có phụ cấp là 6.500.000/tháng. Bố em nay sức khỏe không tốt nên muốn nghỉ việc. Anh chị tư vấn dùm em bố em có được nghỉ theo chế độ 108 không và nếu hưởng chế độ thôi việc 1 lần thì được nhận bao nhiêu tiền? Mong anh chị trả lời giúp em. Em xin cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp, bố bạn hiện nay 49 tuổi nhưng không biết được bố bạn đã có bao nhiêu năm đóng BHXH. Trong trường hợp hiện nay bố bạn muốn nghỉ do sức khỏe suy yếu, tuy nhiên bố bạn chưa đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí khi về hưu non. Hơn nữa, bố bạn cũng không biết có thuộc diện về hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP hay không. Vì vậy, bạn cần hỏi bố mình xem bác có thuộc đối tượng được tinh giản biên chế hay không. Nếu thuộc đối tượng này, bác sẽ được thôi việc theo chính sách thôi việc ngay. Căn cứ:

Điều 10 – Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Chính sách thôi việc

1. Chính sách thôi việc ngay

Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:

a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;

b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

Về mức tiền mà bố bạn được hưởng khi khi theo chính sách thôi việc ngay được hướng dẫn tính chi tiết và cụ thể tại Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-BNV-BTC như sau:

Điều 7 – Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-BNV-BTC. Chính sách thôi việc ngay

1. Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:

a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;

b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng).

2. Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này.

Ví dụ 6: Bà Nguyễn Thị C 47 tuổi, nhân viên đánh máy thuộc diện tinh giản biên chế, được giải quyết thôi việc ngay từ ngày 01/02/2015, có hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng theo ngạch công chức loại D, ngạch nhân viên, mã ngạch 01.005, bậc 8 (2,76) từ ngày 01/5/2013, có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội là 18 năm 9 tháng.

– Tiền lương tháng hiện hưởng của bà C là: 2,76 x 1.150.000 đồng = 3.174.000 đồng.

– Tiền lương tháng để tính trợ cấp thôi việc theo thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội cho bà C được tính bằng bình quân tiền lương tháng theo ngạch, bậc thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng), kể từ ngày 01/02/2010 đến ngày 31/01/2015.

– Diễn biến hệ số lương, mức tiền lương theo ngạch, bậc của bà C từ ngày 01/02/2010 đến 31/01/2015 như sau:

+ Từ 01/02/2010 đến 30/4/2010 (03 tháng), hệ số lương ngạch nhân viên loại C2, bậc 6 (2,40). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 1.560.000 đồng;

+ Từ 01/5/2010 đến 30/4/2011 (12 tháng), hệ số lương ngạch nhân viên loại C2, bậc 6 (2,40). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 1.752.000 đồng;

+ Từ 01/5/2011 đến 30/4/2012 (12 tháng), hệ số lương ngạch nhân viên loại C2, bậc 7 (2,58). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 2.141.400 đồng;

+ Từ 01/5/2012 đến 30/4/2013 (12 tháng), hệ số lương ngạch nhân viên loại C2, bậc 7 (2,58). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 2.709.000 đồng;

+ Từ 01/5/2013 đến 30/6/2013 (02 tháng), hệ số lương ngạch nhân viên loại C2, bậc 8 (2,76). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 2.898.000 đồng;

+ Từ 01/7/2013 đến tháng 31/01/2015 (19 tháng), hệ số lương ngạch nhân viên loại C2, bậc 8 (2,76). Mức tiền lương theo ngạch, bậc là 3.174.000 đồng.

– Tiền lương bình quân của 05 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản là: [(1.560.000 đồng x 03 tháng) + (1.752.000 đồng x 12 tháng) + (2.141.400 đồng x 12 tháng) + (2.709.000 đồng x 12 tháng) + (2.898.000 đồng x 02 tháng) + (3.174.000 đồng x 19 tháng)]/60 = 2.500.180 đồng/tháng.
Tiền lương tháng để tính trợ cấp theo thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội cho bà C là: 2.500.180 đồng.

– Số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính trợ cấp làm tròn là 19 năm.

– Bà C được hưởng các khoản trợ cấp sau:

+ Trợ cấp tìm việc: 03 x 3.174.000 đồng = 9.522.000 đồng;

+ Trợ cấp thôi việc: 1,5 x 2.500.180 đồng x 19 năm = 71.255.130 đồng.

Tổng số tiền bà C được nhận khi thôi việc là: 9.522.000 đồng + 71.255.130 đồng = 80.777.130 đồng.

Căn cứ vào các quy định trên, bạn cần biết được hệ số lương của bố mình là bao nhiêu để có căn cứ tính tiền lương từ năm 2010 đến 2015 và tính bình quân tiền lương bố bạn sẽ đưuọc hưởng.

Trân trọng!
Luật gia Đào Quang Vinh – Luật Sư Toàn Quốc

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *