Luật sư tư vấn vụ việc Người lao động làm việc từ 15/11/2011, bị tai nạn lao động ngày 03/10/2013, đến ngày 05/01/2015 quay trở lại công ty làm việc. Kết quả giám định cho thấy người lao động này bị mất sức lao động là 31%. Vậy công ty sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường như thế nào. Nội dung hỏi và trả lời như sau:
Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào luật sư cho tôi hỏi trường hợp: Ngày tôi vào công ty làm việc từ 15/11/2011. Ngày tôi bị tai nạn lao động 03/10/2013 do vết thương khá nặng nên phải phẫu thuật nhiều mãi đến tận 05/01/2015 tôi mới quay lại công ty làm việc được, và 07/01/2015 công ty mới đưa tôi đi giám định sức khỏe tai bệnh viện y khoa tỉnh hải dương. Kết quả giám định tôi bị mất sức lao động là 31% đến nay tôi chưa nhận được bất kỳ bồi thường nào từ công ty cả, trừ khoản tiền mà công ty bỏ ra đưa tôi đi cấp cứu và tiền viện phí. Vậy trường hợp như tôi có được hưởng khoản bồi thường nào từ công ty không? Thưa luật sư, và nếu được bồi thường thì được bồi thường những khoản nào theo quy định của pháp luật. Và nếu trường hợp của tôi được bồi thường mà doanh nghiệp không chịu bồi thường, thì tôi phải nhờ cơ quan nào đứng ra để giải quyết việc này cho tôi thưa luật sư? Quy định thế nào mong luật sư tư vấn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Chúng tôi xin làm rõ: tai nạn lao động, tức là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Đồng thời, chúng tôi cũng cần phải xác định tai nạn lao động mà bạn gặp phải là lỗi của bạn hay tai nạn này không do lỗi của bạn.
Với tai nạn lao động mà bạn gặp phải, bạn sẽ được công ty thực hiện các nghĩa vụ sau :
1. Công ty có nghĩa vụ thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động.
– Thứ nhất: Số tiền trợ cấp hằng tháng
Hợp đồng lao động giữa bạn và công ty được kí kết vào ngày 15/11/2011. Thời điểm bạn bị tai nạn lao động là 03/10/2013. Như vậy, bạn đã làm việc tại công ty gần 3 năm. Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2006 thì “Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;…”. Như vậy, bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Nếu bạn đã tham gia bảo hiểm bắt buộc thì bạn sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Bao gồm:
– Số tiền trợ cấp hằng tháng = 30% x mức lương tối thiểu chung. Căn cứ:
Điều 43. Trợ cấp hằng tháng
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Nếu bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được phía công ty trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (trợ cấp hằng tháng). Tuy nhiên, việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của bạn và phía công ty. Trong cả hai trường hợp này, thời điểm bạn được hưởng trợ cấp được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện.Tức là thời điểm ngày 05/01/2015.
Bạn bị tai nạn lao động và bị suy giảm 31%.
– Tiền bồi thường từ phía công ty:
Nếu tai nạn này không do lỗi của bạn thì bạn sẽ được công ty bồi thường với mức như sau: :”Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%”
Bạn bị suy giảm 31% nên bạn sẽ được bồi thường ít nhất bằng 1.5+ 21*0.4= 9.9 tháng tiền lương.
Nếu tai nạn lao động này là do lỗi của bạn thì bạn sẽ không được hưởng bồi thường mà được công ty trợ cấp một khoản tiền ít nhất = 40%*9.9=3.96 tháng tiền lương.
Trường hợp của bạn được công ty bồi thường. Do đó, nếu công ty không bồi thường thì bạn có thể nhờ Công đoàn cơ sở, Hòa giải viên lao động hoặc Tòa án đứng ra bảo vệ, giải quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.
—————–
Câu hỏi thứ 2 – Chế độ phụ cấp khu vực khi nghỉ hưu quy định thế nào?
Tôi là sĩ quan Quân đội nhập ngũ tháng 8 năm 1985 cấp bậc hiện tại của tôi là Thượng tá theo quy định của luật sĩ quan đến tháng 12 năm 2017 tôi đủ điều kiện nghỉ hưu Xin hỏi trong thời gian công tác tôi liên tục công tác ở khu vực hưởng phụ cấp 0,3 Vậy xin hỏi khi tôi về hưu có được hưởng khoản phụ cấp này không đề nghị luật sư tư vấn giúp Xin cảm ơn.
Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:
>> Cách tính trợ cấp khu vực và trợ cấp xã hội một lần đối với cán bộ, công chức làm việc trên vùng cao?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 21 Nghị định 115/2015/NĐ-CP Về phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội:
“2. Chế độ hưởng
a) Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.
…
3. Cách tính mức trợ cấp một lần:
Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này thì mức trợ cấp một lần được tính theo thời gian, tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hệ số phụ cấp khu vực và mức tiền lương cơ sở tại thời điểm giải quyết. Hệ số phụ cấp khu vực được xác định như sau:
a) Đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến 31 tháng 12 năm 2006 thì hệ số phụ cấp khu vực tính trợ cấp một lần là hệ số phụ cấp khu vực thực tế đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội;
b) Đối với thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì hệ số phụ cấp khu vực được tính theo hệ số phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật về phụ cấp khu vực;
c) Đối với thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 và chiến trường K trước ngày 31 tháng 8 năm 1989 thì được áp dụng mức phụ cấp khu vực hệ số 0,7 để tính trợ cấp một lần”.
Như vậy, khi nghỉ hưu vào 12/2017 thì người lao động có thời gian công tác ở khu vực hưởng phụ cấp 0,3 thì ngoài lương hưu, người lao động sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng BHXH.