Cha có được giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn không?

Cha có được giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn không?

Luật sư giải đáp thắc mắc của khách hàng về vấn để giải quyết việc giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nội dung tư vấn như sau:

Kính chào quý luật sư. Em và vợ có một bé gái mới 2 tuổi ,trong quá trình chung sống không hạnh phúc và đỉnh điểm 28 tết nay em đi làm về thì mẹ vợ xuống chỗ ở của vợ chồng dẫn vợ và con gái em về nha trang ăn tết với gia đình cố ngoại (bà ngoại của vợ em) va không báo cho em và cũng không cho em gọi gặp con .Cô ấy đang ở chơi với con ngoài đấy không chịu vào và thường xuyên lên mạng xã hội chửi và bôi nhọ thanh danh em và gia đình. Giờ cô ấy vào và chấp thuận ly hôn nhưng khi đơn em ghi con nhờ toà giả quyết thì vợ em không ký bỏ về vậy em viết đơn ly hôn đơn phương được không và cần những thủ tục gì?   

Vợ em từ lúc cưới và sinh bé tới nay đã 4 năm không đi làm .Giữa năm em có lấy tài sản trước khi cưới của em mở cho cô ấy shop bán oline gần 80tr .nhưng buôn bán ế ẩm suốt ngày điện thoại không lo chăm con. Bố mẹ cô ấy ly thân với nhau đã hơn 3 năm nay (ở cùng nhà nhưng nấu ăn riêng ngủ riêng không nói chuyện ) .Mới đây cô ấy nhờ bạn bè làm dùm bảng lương chứng minh thu nhâp mặc dù từ khi cưới không làm ngày nào. Trong lúc em có công ăn việc làm ổn định tháng gần 10 triệu .Em lại ở với bố mẹ là quân nhân nghỉ hưu còn mẹ vợ buôn bán cá ở chợ .Vậy ly hôn e có được giành quyền nuôi con không . xin quý luật sư tư vấn.e xin chân thành cảm ơn !

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Sư Toàn Quốc, với vụ việc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, đơn phương ly hôn là quyền của cả hai bên vợ chồng. Tòa án xem xét, quyết định cho ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện về tình trạng vợ chồng mẫu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được theo quy định tại điều 56 Luật hôn nhân gia đình năm 2014

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Như vậy nếu có căn cứ để ly hôn ban sẽ gửi hồ sơ ly hôn đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi mà người vợ đang cư trú, làm việc  để yêu cầu giải quyết ly hôn, bạn có thể nộp trực tiếp tại tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.

Hồ sơ khởi kiện xin ly hôn gồm có: 

– Đơn xin ly hôn (theo mẫu);

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

– Sổ hộ khẩu, Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (bản sao chứng thực);

–  Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);

– Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực);

Thứ hai, khi giải quyết ly hôn ngoài việc chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng thì vấn đề con chung và tài sản Tòa án sẽ giải quyết căn cứ trước hết dựa trên sự thỏa thuận. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được người nuôi dưỡng Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con để giao con cho một bên nuôi dưỡng theo quy định tại điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có nội dung như sau:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy vì con bạn  hiện tại dưới 36 tháng tuổi nên sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Trừ khi hai bên có những thỏa thuận phù hợp với lợi ích của con. Trường hợp không có thỏa thuận mà bạn muốn giành quyền nuôi con thì  cần  đưa ra chứng cứ chứng minh với tòa án vợ bạn không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng con, có thể thông qua:

+ Thu nhập hàng tháng (có đảm bảo để nuôi cháu hay không?)

+ Chỗ ở ổn định (Có đảm bảo để cháu có chỗ ở lâu dài hay không?)

+ Môi trường sống (Có đảm bảo cho sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất của cháu hay không?)

+ Thời gian làm việc ( Anh có thời gian để chăm sóc cháu hay không?)

+ Hành vi của cha mẹ ( Có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và sự phát triển của trẻ)

Đồng thời nếu bạn có thể đưa ra các chứng cứ cho rằng nếu để con cho mẹ nuôi sẽ tác động xấu đến sự phát triển của con về cả tinh thần, tính cách,….bạn  có thể đưa ra để làm chứng cứ trước Tòa án để có thể xem xét thỏa thuận giành quyền nuôi con. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
 CV tư vấn: Hà Tuyền. – Luật Sư Toàn Quốc

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *