Chấm dứt hợp đồng do thay đổi cơ cấu công nghệ

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, có nhiều lý do dẫn đến việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Theo đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động phải được thực hiện đúng quy định pháp luật. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán chi trả các chế độ cho người lao động để họ ổn định cuộc sống. Vậy, nếu công ty chấm dứt hợp đồng do thay đổi cơ cấu công nghệ là đúng hay sai? Luật Sư Toàn Quốc tư vấn về nội dung này như sau:

1. Luật sư tư vấn về chấm dứt hợp đồng do thay đổi cơ cấu công nghệ.

Chấm dứt hợp đồng lao động là cách giải quyết cuối cùng mà bất kỳ người lao động nào cũng không muốn. Bởi nó ảnh hưởng tới việc duy trì đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động. Trong trường hợp vì các lý do kinh tế hoặc vì có sự thay đổi cơ cấu, công nghệ mà phía người sử dụng lao động cần phải cắt giảm thay đổi cơ cấu nhân sự, người sử dụng lao động phải chứng minh và thực hiện đúng quy trình thủ tục pháp luật quy định. Nếu bạn đang rơi vào trường hợp này nhưng chưa biết quyền lợi của mình như thế nào, bạn có thể liên hệ với luật Minh gia để được tư vấn các nội dung liên quan đến:

– Thủ tục để chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu công nghệ đúng quy định pháp luật.

– Giải quyết quyền lợi cho người lao động như thế nào?

– Nếu người lao động đang mang thai thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lý do thay đổi cơ cấu công nghệ được hay không ?

Bạn hãy liên hệ với Toàn Quốc bằng hình thức gửi mail hoặc gọi 0926 220 286 , luật sư của chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

2. Tư vấn trường hợp chấm dứt hợp đồng do thay đổi cơ cấu công nghệ.

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư! Hiện tại em đang làm việc tại công ty nước ngoài, công ty muốn cắt giảm nhân sự do áp dụng phần mềm mới. Công ty sẽ tiến hành gặp mặt riêng từng người để thương lượng. Công ty chưa báo trước thời gian cho nghỉ việc. Em đang mang thai 4 tháng, em muốn biết các chế độ em được hưởng để tiến hành thương lượng với công ty trong 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Công ty đã thông báo việc tái cơ cấu cho cơ quan nhà nước.

Trường hợp 2: Công ty chưa thông báo việc tái cơ cấu cho  cơ quan nhà nước mà chỉ im lặng thỏa thuận với từng lao động.

Em rất mong nhận được sự hỗ trợ từ quý luật sư.Em cảm ơn nhiều!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trường hợp 1, chấm dứt hợp đồng lao động do công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ

Trường hợp này công ty bạn chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu công nghệ theo Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 thì buộc phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động. Nếu xây dựng phương án sử dụng lao động mà vẫn không bố trí được công việc cho người lao động và phải chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động thì phải trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh theo Khoản 3 Điều 44 Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Vậy, trường hợp công ty đã thực hiện theo đúng các thủ tục như pháp luật quy định và đã thông báo cắt giảm lao động với cơ quan nhà nước thì bạn có thể bị chấm dứt hợp đồng nếu công ty không bố trí được công việc khác. Khi bị chấm dứt hợp đồng, bạn sẽ được hưởng trợ cấp mất việc làm theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 49. Trợ cấp mất việc làm

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Trường hợp 2, công ty và người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp công ty không xây dựng phương án sử dụng lao động; không thông báo với cơ quan nhà nước về việc chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động thì có thể đây không phải là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu công nghệ. Nếu công ty im lặng thỏa thuận với từng người lao động và người lao động đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động thì có thể coi đây là trường hợp thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

…”

Khi bạn đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận, bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Nếu người lao động không đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động vẫn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì trong trường hợp này sẽ xác định người sử dụng lao động đang đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về khoản tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc chỉ được thanh toán đối với thời gian công tác tại đơn vị nhưng chưa tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ không còn được hưởng trợ cấp trên.

Như vậy, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động công ty sẽ có trách nhiệm thanh toán trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc (nếu có); tiền lương trong thời gian bạn chưa hưởng; chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn để giải quyết chế độ về bảo hiểm (thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần).

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *