Chế độ hưu trí và phụ cấp chiến trường tính như thế nào?

Luật sư tư vấn miễn phí về trường hợp hưởng chế độ hưu trí và phụ cấp chiến trường khi tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia như sau:

Hỏi: Tôi tham gia LLVT từ ngày 01/10/1978 đơn vị công tác tại chiến trường Campuchia, đến 01/02/1982 tôi chuyển ngành về công tác tai các cơ quan ban ngành thuộc Quận Gò Vấp, đến 01/01/2009 tôi chuyển công tác về Trường Đại học thuộc Bộ Công Thương. Đến ngày 25/12/2015 này tôi đủ 55 tuổi, với thời gian công tác liên tục là 37 năm 2 tháng. Vậy cách tính lương hưu của tôi sẽ được tính như thế nào và có được hưởng phụ cấp chiến trường theo quy định không? (Mức lương của tôi hiện hưởng hệ số 4,98 – vượt khung 9%, thời gian tham gia BHXH từ ngày 01/10/1978).

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin mà anh cung cấp thì bác vừa có quãng thời gian tham gia chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế, vừa có thời gian công tác tại cơ quan nhà nước nên chúng tôi có hướng giải quyết như sau:

Thứ nhất, về vấn đề lương hưu của bác, do không công tác trong môi trường độc hại, nguy hiểm nên độ tuổi về hưu của bác được quy định là đủ 55 tuổi và có ít nhất 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội. Căn cứ:

Điều 50 – Luật Bảo hiểm xã hội 2006. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

Về mức hưu trí mà bác được hưởng thì hiện nay Luật Bảo hiểm xã hội có quy định như sau:

Điều 52 – Luật Bảo hiểm xã hội 2006. Mức lương hưu hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.

3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.  

Điều 59 – Luật Bảo hiểm xã hội 2006. Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến trước ngày Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tám năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Dựa vào quy định trên, tương ứng với 15 năm đóng BHXH bắt buộc, bác sẽ được hưởng 45% lương hưu. Sau đó cứ mỗi năm đóng bác sẽ được tính thêm 3%. Số năm đóng BHXH của bác tính thừa ra 22 năm do đó bác sẽ được hưởng 111% lương. Tuy nhiên mức tối đa mà bác sẽ được hưởng theo quy định của pháp luật là 75% lương. Số năm tham gia BHXH bắt buộc của bác là 37 năm 2 tháng được tính tròn là 37 năm. Mức lương hưu mà bác được hưởng được tính bình quân của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Về trợ cấp một lần, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ 25 năm trở lên thì sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần từ BHXH. Căn cứ:

Điều 54 – Luật Bảo hiểm xã hội 2006. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

1. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.  

Điều 60 – Luật Bảo hiểm xã hội 2006. Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của mười năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Căn cứ vào quy định trên bác sẽ có thời gian 12 năm để được tính trợ cấp 1 lần với mức trợ cấp là 0,5 x 12 x ( tiền lương bình quân dùng để đóng BHXH trong vòng 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu ).

Thứ hai, về phụ cấp chiến trường theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng hưởng phụ cấp được quy định như sau:

Điều 2 – Quyết định 62/2011/QĐ-TTG Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Đối tượng áp dụng

1. Quyết định này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có dưới 20 năm phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (bao gồm cả số đi lao động hợp tác quốc tế về phục viên, xuất ngũ, thôi việc) trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 hoặc chuyển ngành sau đó thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 hoặc thương binh nặng đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng;

b) Công nhân viên chức quốc phòng, công nhân viên chức công an, công nhân viên chức nhà nước, chuyên gia các ngành (gọi chung là cán bộ, công nhân viên chức) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng;

c) Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ xã) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã thôi việc, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng;

d) Dân quân tự vệ, công an xã do chính quyền cấp xã tổ chức và quản lý (bao gồm cả thôn, ấp thuộc các xã biên giới) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng;

đ) Thanh niên xung phong tập trung sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng.

2. Quyết định này không áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Đối tượng không đủ điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này;

b) Đối tượng đang hưởng chế độ hưu trí hoặc đang công tác hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ cán bộ xã đã nghỉ hưu hoặc đang công tác nhưng không được tính nối thời gian phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi thôi công tác ở xã) hoặc đang hưởng chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng;

c) Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi;

d) Vi phạm pháp luật đang chấp hành án tù giam, tù chung thân hoặc đã bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích; bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu công an nhân dân, danh hiệu dân quân tự vệ; bị buộc thôi việc;

đ) Xuất cảnh trái phép, đang định cư ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc bị tòa án tuyên bố là mất tích;

e) Quân nhân, công an nhân dân, thanh niên xung phong, nhập ngũ, tuyển dụng hoặc tham gia lực lượng thanh niên xung phong trước ngày 30 tháng 4 năm 1975;

g) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

Căn cứ vào quy định trên, bác sẽ không được hưởng phụ cấp chiến trường theo quy định do bác là người đã hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Đây cũng là một trong những hạn chế và có phần không công bằng đối với những người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình làm nhiệm vụ quốc tế và chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *