Chung sống với 2 bà trước năm 1987 có được công nhận hôn nhân thực tế?

Chung sống với 2 bà trước năm 1987 có được công nhận hôn nhân thực tế?

Chung sống với nhau không đăng ký kết hôn có được pháp luật thừa nhận quan hệ hôn nhân không? Nếu chung sống thực tế với nhiều người tại cùng một thời điểm thì công nhận quan hệ hôn nhân như thế nào? Luật Sư Toàn Quốc giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Hôn nhân và gia đình

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi hai bên nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành chỉ thừa nhận quan hệ hôn nhân khi các bên đã đăng ký kết hôn theo nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Tuy nhiên, với bề dày lịch sử phong kiến lâu đời của nước ta tác động tương đối lớn tới các quan niệm về hôn nhân và gia đình, trong đó có chế độ đa thê. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích họp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân, pháp luật quy định thừa nhận quan hệ hôn nhân thực tế trong một số thời điểm nhất định.

Do đó, nếu bạn đang có thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu về hôn nhân thực tế, bạn cần phải tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ hoặc tham khảo ý kiến luật sư chuyên môn. Trong trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Sư Toàn Quốc để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến hôn nhân thực tế, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 0926 220 286 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Chung sống với hai bà trước 1987 có được công nhận là hôn nhân thực tế?

Hỏi: Ông A và bà B chung sống với nhau từ năm 1980. Đến năm 1985, ông A lấy thêm vợ lẽ là bà C. Cả 2 bà đều không có đăng ký kết hôn nhưng đều được cưới hỏi đang hoàng. Kể từ đó đến năm 2010 khi ông C mất, ông A vẫn sống chung với 2 bà dưới 1 mái nhà. Vậy cho hỏi quan hệ hôn nhân của ông A với bà B, C có được pháp luật công nhận là quan hệ hôn nhân thực tế?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

– Thứ nhất, về quan hệ hôn nhân giữa ông A với bà B:

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 – văn bản luật mới nhất và đang được sử dụng tại thời điểm hiện hành. Tại điều 131 Luật này có quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:

Điều 131. Điều khoản chuyển tiếp

“1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.

2. Đối với vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật này.

3. Không áp dụng Luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực.”

Vấn đề nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước năm 1987 không có đăng ký kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điểm a Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình:

“a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”.

Như vậy, trường hợp ông A bà B mặc dù không có đăng ký kết hôn nhưng đã làm đám cưới và chung sống với nhau như vợ chồng trước năm 1987, do đó đây là quan hệ hôn nhân thực tế và được pháp luật công nhận.

– Thứ hai, về quan hệ hôn nhân với bà C: Hiện nay có 2 quan điểm

+ Quan điểm thứ nhất: Quan hệ hôn nhân giữa ông A và bà C được pháp luật công nhận vì Nghị quyết 35/2000/NQ-HĐTP chỉ quy định hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 nhưng không đăng ký kết hôn thì được tòa công nhận là vợ chồng khi ly hôn. Điều khoản trên không hề quy định nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng phải có đủ điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình.

Theo quan điểm này thì vì luật không quy định nên chỉ cần điều kiện duy nhất là hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 thì công nhận họ là vợ chồng mà không cần đáp ứng các điều kiện về kết hôn. Luật pháp không bắt buộc mà chỉkhuyến khích họ đi đăng ký kết hôn.

+ Quan điểm thứ 2: Ông A và bà C không được công nhận là quan hệ vợ chồng dù có tổ chức cưới hỏi đang hoàng và chung sống với nhau từ năm 1985. Vì thời điểm đó, ông A đang có vợ là bà B nên không đủ điều kiện kết hôn với bà C.

Về vấn đề này chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ 2. Vì:

Có thể thấy Nghị quyết 35/2000/NQ-HĐTP chỉ nêu vấn đề giải quyết các trường hợp sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà vi phạm điều kiện về hình thức là chưa đăng ký kết hôn, Nghị quyết 35 không bác bỏ về nội dung và cũng là nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân một vợ một chồng mà Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 đã ghi nhận (trừ trường hợp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trước ngày giải phóng lấy tiếp vợ hai, đã có thông tư hướng dẫn riêng). Việc hiểu theo hướng Nghị quyết không quy định điều kiện kết hôn đồng nghĩa với khái niệm không cần đủ điều kiện kết hôn là máy móc và quy chụp.

Ngoài ra, nếu như hiểu theo quan điểm thứ nhất thì sẽ vướng mắc các trường hợp đặc biệt như việc chung sống giữa những người cùng dùng máu về trực hệ như cha, con, anh em, cha mẹ nuôi với con nuôi, cha dượng con riêng, mẹ vợ con rể.…Điều này sẽ vi phạm nghiêm trọng về pháp luật cũng như đạo đức và thuần phong mĩ tục của Việt Nam.

Do đó, khi áp dụng pháp luật, không thể chỉ dựa trên câu chữ mà cần phải tổng hợp các quy định của pháp luật về vấn đề đó, không thể áp dụng một cách máy móc, trái với tinh thần của pháp luật và đạo đức xã hội.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *