Chuyển từ viên chức sang công chức theo thủ tục nào?

Chuyển từ viên chức sang công chức theo thủ tục nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề viên chức muốn chuyển qua công chức thì thủ tục có thể thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển khi đáp ứng đủ các quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Từ T12 năm 2009 tôi được tuyển dụng vào Sở GTVT  và làm NV kế toán công tác tại Ban QLDA Giao thông, đến 7 năm 2012 tôi có QĐ của Sở nội vụ công nhận chính thức là viên chức. Đến T10 năm 2012 làm Phó trưởng phòng tài vụ Ban QLDA Giao thông. Đến T1/2015 tôi bị điều chuyển sang bến xe khách phụ trách công tác kế toán. Đến T7/2016 có QĐ của Sở GTVT được làm kế toán trưởng và trưởng phòng KTHCTH. Hiện nay đV tôi chuẩn bị có sự thay đổi mô hình mới (Bán hết CP nhà nước- Xã hội hóa). Tôi  xin hỏi luật sư TH như tôi thì cần giải quyết như thế nào để thuận lợi nhất- Tôi phải làm thế nào a?( bản thân không muốn làm việc ở đây từ nâu rồi) Và Muốn công tác chỗ khác thì họ trả lời ở CQ đó họ chỉ nhận CB Công chức không nhận viên chức. Vậy Thủ tục chuyển đổi từ việc chức sang công chức quy định cụ thể như thế nào ạ? Xin luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Sư Toàn Quốc, chúng tôi tư vấn về vấn đế của bạn như sau:

Căn cứ Điều 58 Luật Viên chức năm 2010 quy định: 

1. Việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ công chức được thực hiện như sau:

a) Việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức. Trường hợp viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển;

b) Viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm  đồng thời là quyết định tuyển dụng;

c) Viên chức được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm, tiền lương được hưởng theo cơ chế trả lương của đơn vị sự nghiệp công lập, được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm, được thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan….”.

Và tại Điều 42 Nghị số 29/2012/NĐ-CP quy định:

“1. Viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự), có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng thì được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.

2. Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội thì phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng”.

Theo quy định trên, việc chuyển đổi giữa viên chức và công chức cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thời gian làm việc, trình độ đào tạo, kinh nghiệm công việc…

Nếu bạn đang là viên chức mà muốn chuyển sang công chức thì khi đáp ứng thời gian làm việc cho đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên và đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng công chức thì bạn được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển. Còn trường hợp không đáp ứng điều kiện trên thì bạn phải tham gia thi tuyển công chức theo quy định.

Khi được đề nghị tiếp nhận bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 10, Thông tư 13/2010/TT-BNV:

“c) Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển bao gồm:

– Bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại điểm a khoản 1 điều này; bản sơ yếu lý lịch theo mẫu số 2c ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ- BNV 06 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức (sau đây viết tắt là mẫu số 2c), có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại điểm b khoản 1 điều này;

– Bản sao giấy khai sinh;

– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

– Bản sao kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại điểm a khoản 1 điều này, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

– Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

– Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp;

– Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác và các hình thức khen thưởng đã đạt được, có nhận xét và xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại điểm b khoản 1 điều này.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn:  Nông Diệp – Luật Sư Toàn Quốc

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *