Có được hưởng phụ cấp độc hại khi đã được hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn không?

​Thưa luật sư. Em học trường Cao Đẳng kỹ thuật y tế II, đã ra trường và được nhận biên chế vào Bệnh viện đa khoa huyện Iapa tỉnh Gia Lai. Luật sư cho em hỏi: từ khi em vào biên chế đến giờ ( tập sự 1 năm 2013 và biên chế chính thức 2014) trong mức lương của em không có phụ cấp độc hại. Em có hỏi và được trả lời là do đang được hưởng chế độ của vùng đặc biệt khó khăn nên không có phụ cấp độc hại. Như dậy có đúng không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Luật Sư Toàn Quốc. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ, viên chức y tế, cán bộ quân y đang công tác tại các cơ sở y tế thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn

Theo quy định tại điều 2 Nghị định 64/2009/NĐ-CP thì đối tượng được hưởng phụ cấp vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:

“1. Cán bộ, viên chức y tế, lao động hợp đồng trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế (sau đây gọi chung là cán bộ, viên chức y tế) trong các cơ sở y tế của nhà nước bao gồm: trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm y tế cơ quan, trường học; phòng khám đa khoa khu vực; nhà hộ sinh; trung tâm y tế; bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên.

2. Cán bộ, nhân viên quân y (sau đây gọi chung là cán bộ quân y) đang công tác tại các Trạm y tế kết hợp quân dân y ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, bao gồm: các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135 giai đoạn II), các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được quy định tại các Quyết định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.”

Tuy nhiên, “Cán bộ, viên chức y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này thì không hưởng phụ cấp ưu đãi quy định tại Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế của Nhà nước.” (khoản 1 điều 3 Nghị định 64/2009/NĐ-CP).

Nếu thuộc một trong các đối tượng nêu trên, bạn sẽ được hưởng các chế độ phụ cấp sau: phụ cấp ưu đãi (điều 5), Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (điều 7), Trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch (điều 8).

Thứ hai, về phụ cấp ngành nghề

Theo quy định tại điều 1 nghị định 56/2011/NĐ-CP,  công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập sau đây sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành nghề:

“1. Nghị định này quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn (đang làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở) trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khoa HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y (sau đây gọi chung là công chức, viên chức) trong các cơ sở sự nghiệp y tế công lập.

2. Nghị định này không áp dụng đối với cán bộ, viên chức chuyên môn y tế thuộc lực lượng vũ trang.”

Theo nghị định này thì có 6 mức phụ cấp phụ thuộc vào tính chất, mức độ công việc, và mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.

Như vậy, chiểu theo quy định trên, nếu công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ được hưởng các phụ cấp sau: phụ cấp ưu đãi vùng và phụ cấp ưu đãi ngành nghề.

Việc cơ quan bảo hiểm trả lời bạn chỉ được hưởng chế độ của vùng đặc biệt khó khăn, mà không được hưởng phụ cấp ngành nghề là không có căn cứ.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *