Có thể tiếp tục đóng bảo hiểm cho đủ thời gian để hưởng lương hưu hay không?

Tư vấn về thủ tục xin thôi việc với hợp đồng không xác định thời hạn và chế độ được hưởng khi xin thôi việc như sau: Tôi sinh năm 1987, làm thư viện ở trường học cấp III theo hợp đồng 68 (dài hạn, không thời hạn) từ tháng 11 năm 2008. Đến nay được gần 7 năm, vì công việc làm giờ hành chính nên tôi chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật, lương thì quá thấp. Bắt đầu vào làm hệ số lương là 1,0; 2 năm tăng 1 bậc. Tôi rất muốn xin nghỉ hưu ( thôi việc) trước tuổi. Tôi cần làm những thủ tục gì?

Tôi được hưởng chế độ gì không ạ? Tôi có thể tiếp tục đóng bảo hiểm cho đủ thời gian quy định để hưởng chế độ sau này không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn!

Tư vấn: Chào chị, cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Sư Toàn Quốc chúng tôi, công ty tư vấn về trường hợp của chị như sau:

Thứ nhất, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Như vậy, chị muốn thôi việc với loại hợp đồng đã ký thì chị phải báo trước cho bên người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày.

Thứ hai, về chế độ khi chị nghỉ việc được quy định như sau:

– Trợ cấp thôi việc:

Tại Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định như sau:

“3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:

a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội;

b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.”.

Như vậy, khi chị nghỉ việc thì cơ quan chị sẽ có trách nhiệm thanh toán chế độ thôi việc cho chị theo quy định nêu trên.

– Trợ cấp thất nghiệp:

Căn cứ Khoản 2 Điều 49 Luật việc làm 2013:

“Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;”.

Đối chiếu trường hợp của chị, trường hợp chị đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục đến khi chị nghỉ việc thì chị đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Căn cứ theo Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

– Bảo hiểm xã hội một lần:

Trường hợp chị nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì chị có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

…”.

Ngoài ra, nếu chị không hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì chị sẽ bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đã đóng và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *