Điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội

Nội dung đề nghị tư vấn: Xin chào quý Công ty. Tôi công tác tại công ty TNHH. Sinh ngày 30.01.1956. Đóng BHXH từ tháng 1.1995 đến nay đã đủ 20 năm. Tôi bị TNLD mất SLD 61%. Vậy xin hỏi nếu tháng 7/2015 tôi xin nghỉ hưu thì chế độ có được hưởng trọn theo chính sách không hay phải cố chờ đến 30.10.2016. Xin được tư vấn cụ thể. Trân trọng kính chào.

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định về điều kiện hưởng lương hưu tại Điều 50 và 51, cụ thể:

Điều 50.Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

2. Người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ năm mươi lăm tuổi, nữ đủ năm mươi tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật công an nhân dân có quy định khác;

b) Nam từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm tuổi đến đủ năm mươi tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. 

Điều 51.Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;

2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành. 

Như vậy, để được hưởng lương hưu, người lao động đóng BHXH đủ 20 năm trở lên và có một trong những điều kiện sau:

– Nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi;

– Nam đủ 55, nữ đủ 50 tuổi và có 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có phụ cấp khu vực hệ số > 0,7;

– Nam đủ 50, nữ đủ 45 tuổi suy giảm khả năng lao động > 61% (hưởng lương hưu với mức thấp hơn);

– Không kể tuổi đời, suy giảm khả năng lao động > 61%, có đủ 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (hưởng lương hưu với mức thấp hơn);

– Đủ 50 đến dưới 55 tuổi (nam/nữ), trong đó có ít nhất 15 năm làm công việc khai thác than hầm lò;

– Không kể tuổi đời đối với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, anh đối chiếu với trường hợp của mình để xác định mình có thuộc trường hợp được hưởng chế độ hưu trí hay chưa.

Trong trường hợp anh chưa đủ độ tuổi quy định nhưng đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà muốn xin nghỉ hưu sớm thì để đảm bảo quyền lợi của mình thì anh có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi đáp ứng điều kiện về độ tuổi để được hưởng lương hưu, cụ thể LBHXH 2006 quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Điều 57.Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. 

Trên đây là nhưng quy định của pháp luật cũng như ý kiến phân tích của chúng tôi về trường hợp của anh. Hi vọng anh đã hiểu rõ vấn đề của mình.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *