Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014

Nhờ luật sư tư vấn về điều kiện hưởng lương hưu; cách tính lương hưu, trợ cấp một lần theo Luật bảo hiểm xã hội như sau: Tôi sinh ngày 21/02/1961, làm việc tại Ủy ban nhân dân xã từ ngày 29/3/1992. Đã đóng gần 24 năm Bảo hiểm xã hội, đang giữa chức chức vụ PCT Ủy ban nhân dân xã, tôi còn 8 tháng nữa đến đúng tuổi nghỉ hưu. Nay do không đủ tuổi bố trí chức vụ nhiệm kỳ mới, hiện tại vẫn là Đại biểu Hội đồng nhân dân xã đến tháng 4/2016.

Vậy, nếu tôi nghỉ hưu trong khoảng thời gian này thì lương hưu sẽ được tính như thế nào? Nếu không nghỉ hưu thời gian này, vẫn tiếp tục nhiệm vụ được Hội đồng nhân bầu làm PCT Ủy ban nhân dân xã đến tháng 2 năm 2016 nghỉ hưu thì lương hưu tính như thế nào?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Luật Sư Toàn Quốc chúng tôi! Trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, nếu bạn nghỉ hưu trong khoảng thời gian năm 2015 thì căn cứ để xác định lương hưu của chị sẽ căn cứ và Luật bảo hiểm xã hội năm 2006:

Tại Điều 50 và Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 có quy định như sau:

“Điều 50.Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

2. Người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ năm mươi lăm tuổi, nữ đủ năm mươi tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật công an nhân dân có quy định khác;

b) Nam từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm tuổi đến đủ năm mươi tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Điều 51.Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;

2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành”.

Căn cứ vào quy định như trên của pháp luật nếu bạn nghỉ hưu trong khoảng thời gian năm 2015, với việc đã đóng gần 24 năm Bảo hiểm xã hội thì bạn không đủ điều kiện để được hưởng lương hưu. Bạn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đợi đến khi đủ tuổi để hưởng lương hưu như tại Điều 57 Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định: “Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.

Thứ hai, nếu bạn nghỉ hưu trong tháng 2 năm 2016. Khi này bạn đã đủ điều kiện để nghỉ hưu theo quy định  của Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2016 được quy định như sau:

Về điều kiện hưởng lương hưu:

“Điều 54: Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên”.

Về mức lương hưu hàng tháng sẽ được tính như sau:

“Điều 56. Mức lương hưu hàng tháng

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi”

Và về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần. Trường hợp của bạn được xác định theo điểm a khoản 1 Điều 62 như sau:

“1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a) Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu”.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *