Đòi lại quyền sử dụng đất do bố mẹ để lại

Đòi lại quyền sử dụng đất do bố mẹ để lại

Luật sư tư vấn về tranh trấp quyền sử dụng đất là di sản thừa kế. Nội dung tư vấn như sau

Nội dung câu hỏi:Chào Luật sư,Ông nội em khi mất có để lại một căn nhà cho Bác và Ba của em (không có di chúc). Căn nhà sau đó (1993) xây vách tường ngăn cách thành 2 phần, nhìn vào như 2 căn nhà riêng biệt chỉ chung vách. Nhưng lúc đó vì tin tưởng nên Ba của em đã để Bác em đứng tên hoàn toàn phần đất và nhà ở gắn liền với đất. Nhiều năm nay Ba em vẫn cố gắng thỏa thuận với Bác ấy việc phân chia quyền sử dụng nhưng Bác vẫn làm ngơ không chịu, còn có ý định đòi lại căn nhà. Hiện tại gia đình em đã ở phần căn nhà phân ra cho Ba em được gần 25 năm (Có hàng xóm làm chứng). Còn Bác ấy đã xây nhà mới và dọn qua nhà mới ở được gần 7 năm (Phần nhà phân ra cho Bác em Bác đã không ở 7 năm và đang cho người khác thuê). Gia đình em và gia đình người Bác ấy hiện giờ vẫn chung Hộ khẩu. Gia đình em kinh doanh tại đó nên hằng năm vẫn đóng các loại thuế. Ba em còn giữa một tờ giấy mua bán nhà và đất (viết tay) của Ông em khi mua căn nhà đó nữa (khoảng năm tám mươi). Vậy Ba em có khả năng đòi lại quyền sử dụng đất và nhà ở của mình không ạ?Em mong sớm được phản hồi. Em cảm ơn nhiều lắm ạ.

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Sư Toàn Quốc, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, khi mất đi ông nội bạn có để lại căn nhà. Đây được coi là di sản thừa kế của ông nội và do không có di chúc nên căn nhà này sẽ được phân chia theo pháp luật theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau

”Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Bố bạn là một trong những người thừa kế theo pháp luật của ông nội bạn nên bố bạn có quyền được thừa kế một phần trong căn nhà này. Tuy nhiên, bố bạn đã đồng ý để bác bạn đứng tên hoàn toàn trên Giấy chứng nhận quyền sự dụng đất. Nếu việc đồng ý này được thể hiện trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản hợp pháp (không có điều kiện kèm theo) thì bác bạn hoàn toàn có căn cứ để làm thủ tục nhận thừa kế toàn bộ căn nhà của ông nội bạn để lại và bố bạn không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất này. Đối với nhà ở và tài sản trên đất nếu chứng minh được công sức đóng góp, tạo dựng nên thì sẽ phát sinh quyền đối với tài sản đó.

Nếu việc đồng ý của bố bạn chỉ thể hiện qua lời nói hoặc thỏa thuận bằng văn bản cho bác đứng tên đại diện cho các đồng thừa kế thì bác bạn chưa đủ căn cứ để nhận thừa kế toàn bộ căn nhà này. Bố bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận( huyện ) nơi có căn nhà này để yêu cầu giải quyết vấn đề phân chia di sản thừa kế.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Phương Hà – Luật Sư Toàn Quốc

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *