Hiệu trưởng có được phân công giáo viên làm thêm công tác văn thư không?

Luật sư giải đáp thắc mắc của khách hàng về vấn đề phân công công việc của giáo viên. Hiệu trưởng nhà trường có được phân công giáo viên giảng dạy làm thêm công tác văn thư, lưu trữ báo báo định kì hàng tháng hay không? Nội dung tư vấn như sau:

Kính thưa luật sư!Tôi là giáo viên đã được tuyển vào biên chế của một trường THPT vùng sâu vùng xa với công việc là giảng dạy môn toán và tin học. Ngoài công việc giảng dạy 2 môn trên tôi được phân làm công tác chủ nhiệm điều đó tôi thấy hợp lý. Nhưng tôi còn được ban giám hiệu phân công báo cáo Emis định kì thay văn thư. Công việc này tôi không được đào tạo, tập huấn chuyên môn nên rất khó thực hiện tốt được. Trước kia cô văn thư đi tập huấn và làm báo cáo trong nhưng năm về trước. Cuối năm học vừa rồi hiệu trưởng giao tôi từ nay trở đi phải làm thay cô ấy. Nếu không hoàn thành thì đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi là giáo viên thấp cổ bé họng nên không dám ý kiến chỉ biết phục tùng. Vì không có chuyên môn nên năm vừa rồi báo cáo trể nên bị la mắng, đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, năm học này lại bắt làm việc đó tiếp. Cho tôi hỏi hiệu trưởng phân công tôi làm như vậy là đúng hay sai? Tôi phải làm sao cho thỏa đáng.Xin chân thành cảm ơn luật sư và mong được giải đáp để tôi yên tâm công tác.

Trả lời: Cảm ơn  bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, với vụ việc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Vì thông tin bạn cung cấp không rõ hiện tại bạn được tuyển dụng vào trường THPT này theo diện tuyển dụng viên chức hay giao kết hợp đồng lao động. Cho nên chúng tôi chia thành hai trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu bạn là viên chức được tuyển dụng theo quy định của Luật Viên chức.

Căn cứ theo quy định tại điều 25 Nghị định 29/2010/NĐ – CP về phân công công việc. Cụ thể:

“Điều 25. Phân công nhiệm vụ

1. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.

2. Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm.”

Theo đó hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra thực hiện công việc của viên chức. Tuy nhiên việc phân công nhiệm vụ này phải đảm bảo phù hợp với chức danh nghề nghiệp cũng như vị trí việc làm của họ. Bạn được tuyển dụng vị trí giáo viên trực tiếp giảng dạy tuy nhiên khi được phân công nhiệm vụ lại thực hiện công việc văn thư không nằm trong chuyên môn, chức danh của bạn như vậy là không hợp lý. 

Thứ hai,  bạn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và thuộc đối tượng điều chỉnh  theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012

Căn cứ theo quy định tại điều 6 và điều 30 Bộ luật lao động năm 2012 về nghĩa vụ của người sử sử dụng lao động như sau:

” Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

…”

“Điều 30. Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động

Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động hoặc theo thỏa thuận khác giữa hai bên.”

Như vậy giữa hai bên đã giao kết hợp đồng với nội dung công việc là giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn toán, tin cho nên bạn phải thực hiện công việc đã giao kết. Cả hai bên đảm bảo thực hiện đúng nội dung đã thảo thuận. Trong trường hợp bạn làm thêm làm công việc khác mà không có sự đồng ý cũng như thỏa thuận từ trước là trái với quy định của pháp luật.

Tóm lại, cho dù bạn là người lao động hay viên chức khi làm việc không được bố trí sắp xếp công việc không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc khi phân công thêm công việc khác mà không được sự đồng ý của bạn là không hợp lý. Trong trường hợp này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn có quyền gửi đề nghị đến trực tiếp Hiệu trưởng nhà trường hoặc gửi đề nghị đến Cơ quan quản lý như Phòng GDĐT hoặc UBND phụ thuộc vào phân cấp quản lý cấp trên để giải quyết. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *