Hỏi đáp về NSDLĐ chậm giao kết HĐLĐ và yêu cầu NLĐ đặt cọc tiền

Hỏi đáp về NSDLĐ chậm giao kết HĐLĐ và yêu cầu NLĐ đặt cọc tiền

Luật sư tư vấn về vấn đề đặt cọc tiền cho việc thực hiện hợp đồng lao động nhưng công ty chậm giao kết hợp đồng lao động, không thông báo cho người lao động về việc giao kết hợp đồng. Nội dung tư vấn như sau:

 

Cho em hỏi, em năm nay 26 tuổi và đang tìm việc làm, em thấy tuyển dụng qua internet và lên đăng kí nộp hồ sơ làm nhân viên bán xăng, họ nói đóng tiền quần áo và đặt cọc mất 3triệu400 ngàn. Và họ nói kí hợp đồng với em hôm 16/11/2017 vừa rồi và bắt đầu tính lương từ hôm đó, nhưng họ nói còn xin chữ ký giám đốc nữa nên không đưa hợp đồng cho em. Họ hẹn em 24/11 họ sẽ gọi điện lên kiểm tra mà em không thấy, em gọi lại mấy số họ gọi em thì thuê bao, em lên trụ sở của họ thì họ đổi chỗ rồi, người dân nói họ thuê thôi. em cố gắng tìm thông tin chỗ họ hay tuyển dụng và 28/11 em lên gặp họ. nói chuyện với họ, họ nó do lỗi của công ty. Em nghi ngờ họ là tổ chức lừa đảo, có tổ chức, tinh vi mạo danh các công ty để tổ chức tuyển dụng rồi lừa đảo người đi xin việc để lấy tiền. Em ở bắc giang, trụ sở họ ở hà nội vậy em có nên báo cho công an huyện về chuyện này không ạ, và em nên báo như thế nào ạ. Xin ý kiến của luật sư ạ. Em xin cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Sư Toàn Quốc, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Bộ luật hình sự 1999 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp, phía công ty đã yêu cầu bạn đặt cọc tiền nhưng  không tiến hành ký kết hợp đồng lao động và chưa sắp xếp công việc cho bạn, hơn nữa còn có hành vi trốn tránh nghĩa vụ. Nếu có thể chứng minh được công ty này dùng thủ đoạn tuyển dụng lao động để chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin thì đây là một vụ án có dấu hiệu của tội phạm: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bạn cần phải làm đơn hoặc đến các cơ quan tổ chức để tố giác tội phạm, trình báo vụ việc. Kèm theo đơn tố giác bạn cần phải có chứng cứ  kèm theo để chứng minh có hành vi lừa đảo.

 

Căn cứ Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về tố giác tội phạm như sau:

 

“Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.”

 

Khi phát hiện có hành vi tội phạm, mọi công dân có thể tiến hành tố giác tội phạm với mọi cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hay bất kì cơ quan, tổ chức nào. Những cơ quan này có trách nhiệm tiếp nhận thông tin tố giác.  Nếu cơ quan có thẩm quyền điều tra họ sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh, nếu họ không có thẩm quyền điều tra thì họ sẽ phải chuyển thông tin tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

 

Trong trường hợp này bạn nên đến công an xã phường thị trấn, trạm công an mình đang cư trú để trình báo vụ việc, nộp đơn tố giác. Sau khi nhận được tố giác về tội phạm công an xã, phường, thị trấn, trạm công an sẽ có trách nhiệm báo ngay tin đã nhận được cho Cơ quan điều tra bằng văn bản và cơ quan điều tra sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh đơn tố giác.

 

Về mẫu đơn tố giác tội phạm, bạn có thể tham khảo tại : Hỏi về mẫu đơn tố giác tội phạm.

 

Trong trường hợp không chứng minh được có dấu hiệu lừa đảo, chúng tôi xin tư vấn cho bạn cách giải quyết vụ việc trên theo pháp luật lao động như sau:

 

Công ty không kí hợp đồng lao động với bạn là vi phạm nghĩa vụ giao kết hợp đồng.

 

Điều 18 Bộ luật lao động 2012 quy định nghĩa vụ giao kết hợp đồng: “1.Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động”.

 

Công ty yêu cầu bạn đặt cọc tiền là một trong những hành vi bị cấm theo pháp luật lao động.

 

“Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

 

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

 

Tại Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định:

 

“1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a)Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động…

 

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”

 

Để bảo vệ quyền lợi, bạn có thể khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở yêu cầu giải quyết.

 

Do bạn không được ký, không có HĐLĐ, và có thể không có phiếu thu tiền đặt cọc  nên việc yêu cầu Tòa án giải quyết sẽ gặp vướng mắc về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.

 

Bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi Công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết các vấn đề sau:

 

– Ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty về các hành vi vi phạm pháp luật lao động như: Không ký HĐLĐ, bắt người lao động phải đặt cọc.

 

– Buộc Công ty trả lại tiền đặt cọc, cộng với khoản lãi số tiền đã giữ của bạn.

 

Mẫu đơn khiếu nại bạn có thể tham khảo tại bài viết: Mẫu đơn khiếu nại

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung- Luật Sư Toàn Quốc

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *