Hỏi về đối tượng nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 26/2015/NĐ – CP

Chào luật Toàn Quốc, Cho tôi hỏi về nghỉ hưu sớm theo nghị định 26 như sau: Tôi năm nay 59 tuổi 3 tháng; có thời gian tham gia BHXH trên 40 năm; Là bí thư chi bộ Đài TT-TH huyệnX ( chi bộ trực thuộc huyện ủy) nhiệm kỳ 2010-2015; Là thủ trưởng Đài TT-TH huyện có quyết định bổ nhiệm thời hạn 5 năm ( 2011-2016). Tôi có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi theo NĐ 26/2015/NĐ-CP. Xin hỏi Tôi có thuộc đối tượng được nghỉ hưu theo NĐ 26/2015 hay không?

Trả lời: Chào bác, cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Sư Toàn Quốc, với câu hỏi của bác, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo điều 2 Nghị định 26/2015/NĐ – CP về đối tượng áp dụng quy định như sau:

1. Nghị định này được áp dụng đối với cán bộ quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức mà không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm).”

Và theo khoản 1 điều 4 Luật cán bộ, công chức:

1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Đài Truyền thanh – Truyền hình hoặc Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện) là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện chức năng là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền huyện. Vì vậy Đài TT – TH cấp huyện cũng là cơ quan Nhà nước chịu sự quản lý của UBND cấp huyện. Vì thế bác vẫn là đối tượng của nghị định 26/2015/NĐ – CP.

————

Câu hỏi thứ 2 – Nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động

Kính gửi Văn phòng Luật Sư Toàn Quốc, Xin cho Tôi hỏi về trường hợp nghỉ hưu của Tôi như sau : Tôi sinh ngày 17/10/1974 ( 43 tuổi ) Bắt đầu làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội từ: . tháng 09/1993 – tháng 12/2009 là Công nhân may ( 16 năm lao động, nặng nhọc, độc hại ). tháng 01/2010 – tháng 09/2017 là nhân viên văn phòng ( 08 năm ) và xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Xin hỏi: 1/ Nếu Tôi xin nghỉ việc trước ngày 01/01/2018 Vì sức khỏe kém không đi làm được nhưng vẫn tham gia đóng đủ 25 năm BHXH thì theo luật Tôi sẽ được giải quyết thế nào về chế độ BHXH ? 2/ Hiện Tôi 43 tuổi, theo luật BHXH thì chưa được giám định sức khỏe để hưởng chế độ hưu, đến năm 2019 ( được 45 tuổi ) Tôi đi giám định sức khỏe hưởng chế độ hưu  được không ? và được bao nhiêu % ? Rất mong Văn Phòng Luật Sư Toàn Quốc tư vấn và giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn. Kính chào.

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:

>> Tư vấn nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động

Theo thông tin chị cung cấp thì năm 2017, chị 43 tuổi và có 24 năm đóng BHXH, trong đó có 16 năm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại.

Trường hợp chị nghỉ việc và chốt sổ trước năm 2018, khi đó chị chưa đủ điều kiện về độ tuổi để nghỉ hưu. Chị có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đợi đến năm đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí. Về chế độ hưu trí sẽ được tính tại thời điểm chị đủ điều kiện để hưởng lương hưu, tức tính theo chế độ năm 2018.

Trường hợp chị muốn nghỉ hưu trước tuổi thì phải đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Điều 55 : Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động 

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong cáctrường hợp sau đây:

a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, vào năm 2019 chị 45 tuổi và có thời gian đóng BHXH bắt buộc trên 20 năm, đồng thời suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì có thể nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động chị sẽ bị trừ tỷ lệ nghỉ hưu, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu theo Điều 56 Luật BHXH 2014:

“1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

…”

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *