Làm việc cùng lúc tại 2 công ty, đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?

Trong thời điểm phát triển kinh tế hiện nay, bảo hiểm xã hội đã và đang thể hiện vai trò tích cực của mình trong việc ổn định đời sống xã hội. Đặc biệt đối với người lao động và người sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội là công cụ nâng cao trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vậy liệu một người lao động có thể nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc cùng lúc tại hai công ty hay không?

1.Luật sư tư vấn.

Nếu bạn đang trong tình huống khó khăn này và cần sự trợ giúp đội ngũ luật sư, đừng ngần ngại hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc liên lạc theo hotline  0926 220 286 để được hỗ trợ các vấn đề pháp lý như:

– Người lao động có buộc phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi ký hợp đồng mùa vụ hay không?

– Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, người sử dụng lao động như thế nào khi cùng lúc làm việc tại hai công ty?

– Không khai báo về việc ký hợp đồng làm việc tại hai công ty trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động có bị xử phạt không?

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin gửi đến bạn tình huống cụ thể dưới đây để bạn tham khảo và đưa ra hướng xử lý phù hợp.

2. Làm việc cùng lúc tại 2 công ty, đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?

Nội dung câu hỏi: Xin chào anh chị công ty luật Toàn Quốc, Hiện tại, em đang làm việc theo hình thức hợp đồng lao động 1 năm tại đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ về tài chính. Em vừa mới lập công ty riêng  đứng chức danh giám đốc công ty được 2 tuần. Hiện nay, em đang đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị cũ. Anh chị cho em hỏi, em vẫn muốn duy trì công việc tại đơn vị cũ và điều hành công ty mới vậy thì em cần phải làm thủ tục gì để không phải đóng bảo hiểm tại 2 nơi làm việc (đơn vị cũ cần thủ gì; công ty mới thì làm thủ tục gì). Trong trường hợp em muốn ký hợp đồng lao động với 1 số đồng nghiệp trong phòng thì làm thế để không phải đóng bảo hiểm 2 nơi. Hợp đồng lao động như nào cho phù hợp?Rất mong sớm nhận được phản hồi từ anh chị.Trân trọng!

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của bạn đến công ty Luật Sư Toàn Quốc. Với những thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.”

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định  như sau:

“Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.”.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang làm việc theo loại hợp đồng lao động 1 năm tại đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ về tài chính và bạn vừa mới lập công ty riêng đứng chức danh giám đốc công ty. Pháp luật quy định “Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương” thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc  (điểm h Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014). Như vậy, nếu bạn có hưởng lương từ chức danh giám đốc công ty thì bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp này.

Tuy nhiên, bạn đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lâp và đang tham gia bảo hiểm xã hội tại đơn vị này. Do đó, bạn sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại công ty mới; đóng bảo hiểm y tế theo HĐLĐ có mức lương cao nhất; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ. Như vậy, khi làm việc tại công ty mới, bạn cần phải thông báo cụ thể về hợp đồng lao động  thứ nhất để công ty có căn cứ không đóng BHXH cho bạn và  trả khoản tiền tương đương với khoản tiền đóng BHXH vào lương cho bạn.

Tương tự với trường hợp bạn muốn ký hợp đồng lao động với một số đồng nghiệp trong phòng thì đồng nghiệp của bạn cũng chỉ phải đóng BHXH, BHTN đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên; đóng bảo hiểm y tế theo HĐLĐ có mức lương cao nhất; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ. Khi giao kết hợp đồng lao động tại công ty bạn, đồng nghiệp của bạn cần phải thông báo cụ thể về hợp đồng lao động  thứ nhất để công ty có căn cứ không đóng BHXH, và  trả khoản tiền tương đương với khoản tiền đóng BHXH vào lương.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *