Luật sư tư vấn về việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Tóm tắt câu hỏi: Ngày 26/03/2013 , tôi ký HĐLĐ có thời hạn 1 năm với công ty. Sau khi hết hạn hợp đồng công ty không kí lại hợp đồng lao động mới cho tôi nhưng tôi vẫn làm việc tại đó cho đến nay. Hiện nay tôi muốn xin nghỉ và ngày đơn xin nghỉ việc là ngày 24/06/2015. Công ty cho rằng hợp đồng lao động của tôi tự duy trì thêm thời hạn là 1 năm và tôi phải làm thêm 30 ngày kể từ ngày nộp đơn hay không?

Cụ thể:

Tôi bắt đầu làm cho một công ty tử ngày 26/11/2012, sau thời gian thử việc tôi được kí hợp đồng chính thức vào ngày 26/03/2013. Hợp đồng tôi ký có thời hạn 1 năm, sau khi hết hạn hợp đồng công ty không kí lại hợp đồng lao động mới cho tôi nhưng tôi vẫn làm việc tại đó cho đến nay. Hiện nay tôi muốn xin nghỉ và ngày đơn xin nghỉ việc là ngày 24/06/2015.

Công ty tôi cho rằng hợp đồng lao động của tôi tự duy trì thêm thời hạn là 1 năm và tôi phải làm thêm 30 ngày kể từ ngày nộp đơn hay không?
Hiện nay công ty tôi mới chốt sổ bảo hiểm đến tháng 11/2014, vậy nếu tôi xin nghỉ việc ở thời điểm này thì tối có thể yêu cầu công ty trả lại số tiền tôi đã đóng bảo hiểm từ tháng 12/2014 đến tháng 6/2015 có được không?

Nếu tôi phải làm tiếp 30 ngày tức la đến tháng 7 tôi mới được nghỉ. Vậy tháng bảy đó tôi có bị trừ tiến bảo hiểm hay không?

Mong văn phòng luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của bạn với người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng…

Bạn được kí hợp đồng chính thức vào ngày 26/03/2013, hợp đồng bạn ký có thời hạn 1 năm. Đối chiếu với khoản 1 Điều 22 Bộ luật lao động 2012 thì HĐLĐ bạn ký vào ngày 26/03/2013 là hợp đồng lao động xác định thời hạn. Sau khi hết thời hạn hợp đồng (26/03/2014) nhưng bạn vẫn làm việc tại đó cho đến nay và công ty không kí lại hợp đồng lao động mới cho bạn. Căn cứ khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng có thời hạn bạn đã giao kết chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn.

Căn cứ khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động 2012: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.  Nên, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên phải báo trước cho NSDLĐ 45 ngày. Ngày 24/06/2015 bạn nộp đơn xin nghỉ việc thì bạn phải tiếp tục làm việc trong khoảng thời gian là 45 ngày.

Như vậy, công ty cho rằng hợp đồng của bạn sẽ duy trì trong vòng 1 năm là sai và bạn phải làm them 45 ngày kể từ ngày nộp đơn xin nghỉ việc.

Thứ hai, về vấn đề bảo hiểm xã hội khi của bạn khi chấm dứt HĐLĐ.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ được quy định tại Điều 47 Bộ luật dân sự 2012:

“…

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

…”

Khi chấm dứt HĐLĐ thì công ty phải có trách nhiệm thanh toán các khoản có liên quan đến quyền lợi của bạn trong thời gian 7 ngày làm việc. NSDLĐ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho bạn. Vì vậy, bạn có quyền yêu cầu Công ty chốt sổ bảo hiểm cho bạn đến thời điểm chấm dứt HĐLĐ.

Thứ ba, về việc đóng BHXH trong khoảng thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động là phải thực hiện đúng pháp luật về bảo hiểm xã hội (Điều 6 Bộ luật Lao động 2012). Người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn là đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc (Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2006) và việc dừng đóng BHXH khi HĐLĐ chấm dứt. Như vậy, trong khoản thời gian sau 45 ngày (kể từ ngày bạn nộp đơn xin nghỉ), việc đóng BHXHX vẫn tiếp tục, Công ty phải có trách nhiệm đóng BHXH cho bạn. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *