Nên nghỉ hưu theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 hay 2014?

Nên nghỉ hưu theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 hay 2014?

Luật sư tư vấn về chế độ hưu trí theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 và Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Trường hợp nào sẽ có lợi cho người lao động hơn?

Nội dung cần tư vấn:

Bố tôi năm nay 57 tuổi đóng bảo hiểm xã hội được 27 năm cho công ty nhà nước 1 thành viên. Tôi được biết năm 2016 luật về nghỉ hưu sẽ thay đổi. Nên bố tôi không biết nên về hưu luôn hay làm đến đủ 60 tuổi, tôi cũng được biết năm 2016 tất cả doanh nghiệp phải cổ phần hoá và nếu như về hưu lúc cổ phần hoá sẽ có lợi hơn nhưng hiện tại công ty bố tôi chưa có công bố về vấn đề cổ phần hoá. Vậy mong quý vị giải đáp cho tôi là bố tôi nên về hưu năm nay quy định thế nào và đợi cổ phần hoá làm thủ tục khi đủ 60 tuổi thì quy định thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, nếu năm nay bố bạn muốn nghỉ hưu trước tuổi và nhận lương hưu hàng tháng thì phải thuộc trường hợp quy định trong Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006. Cụ thể:

Điều 51. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;

2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Do vậy, nếu thuộc trường hợp này thì mức lương hưu bố bạn được hưởng sẽ là: 45% + (2% x 12) – (1% x 3) = 66%. Trong đó:

– 45% là mức lương hưu tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.

– (2% x 12) là mức lương hưu tăng thêm do bố bạn đóng bảo hiểm xã hội trên mức tơời gian tối thiểu 15 năm là 12 năm, mỗi năm được cộng 2%.

– (1% x 3) là mức giảm trừ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm giảm 1%.

Ngoài ra, nếu đủ điều kiện thì bố bạn có thể thuộc đối tượng được tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, do thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể nên chúng tôi chưa thể tư vấn về trường hợp này.

Mặt khác, nếu đợi đến năm 60 tuổi (năm 2018) khi bố bạn đủ điều kiện để về hưu thì áp dụng quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hàng tháng của bố bạn được hưởng sẽ là: 45% + (2% x 11) = 67%. Trong đó.

– 45% là mức lương hưu tương ứng với 16 năm đóng bảo hiểm xã hội (bố bạn đủ 60 tuổi vào năm 2018. Thời điểm này 45% tương đương với 16 năm đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014).

– (2% x 11) là mức lương hưu tăng thêm do bố bạn đóng bảo hiểm xã hội trên mức thời gian tối thiểu 16% là 11 năm, mỗi năm được cộng 2%.

Thứ hai, mức lương hưu người lao động được hưởng dựa hoàn toàn vào mức bình quân tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động nên nó không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Nếu thay đổi loại hình doanh nghiệp làm thay đổi mức lương thì mức lương hưu cũng kéo theo tăng hoặc giảm. Cụ thể, Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định tại Điều 58, 59, 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 và Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *