Nghỉ việc có phải bồi thường chi phí đào tạo?

Nội dung đề nghị tư vấn: Dear các a/c Luật Sư Toàn Quốc, Em có một số thắc mắc về hợp đồng thử việc trường hợp công ty cử đi học việc, do có việc gia đình xin nghỉ việc thì có phải bồi thường chi phí đào tạo không? Nếu có thời gian, em rất mong các a/c có thể giải đáp giúp em.

Em bắt đầu được nhận đi làm thử việc công ty A từ 15/5/2015. Nhưng đến ngày 17/5/2015 công ty gửi em đi Singapore training 2 tuần, về Việt Nam mới bắt đầu làm việc. Em có hỏi hợp đồng thử việc thì anh nhân sự báo 2 tuần sau khi đi về sẽ gửi. Sau đó, em nhận được số tiền 10 triệu công ty ứng cho chuyến đi training. Trước khi đi, em không ký với công ty hợp đồng cam kết đào tạo nào hết.

Sau khi đi về, em nhận được hợp đồng thử việc thì có khoảng là bàn giao tài sản, thông tin khách hàng đã được giao, bồi thường vi phạm bằng vật chất trường hợp người lao động nghỉ việc với bất kỳ lý do gì.

Hiện tại, em muốn xin nghỉ vì lý do gia đình. Vậy khi em nghỉ em có bị buộc phải bồi thường chi phí đào tạo không các a/c? Cảm ơn các a/c nhiều. Em mong sớm nhận được hồi âm từ Luật Sư Toàn Quốc.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi, liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

– Thứ nhất: Về thời gian và khoản tiền đào tạo, theo khoản 1 điều 62 bộ luật lao động 2012:

“Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.”

Trước khi đi đào tạo tại Singapore, bạn và công ty không ký với nhau bất kỳ hợp đồng cam kết đào tạo nào, điều này là không đúng quy định và dễ gây phát sinh các vấn đề tranh chấp, đặc biết là với số tiền 10 triệu ứng cho chuyến đi.

– Thứ hai: Về việc bồi thường khi nghỉ việc

Tho dữ kiện, bạn và công ty mới chỉ giao kết với nhau hợp đồng thử việc mà chưa phải lao động chính thức. Theo khoản 2 điều 29 Bộ luật lao động 2012:

“ Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận”.

Như vậy, nếu bạn chứng minh việc thử việc không đạt yêu cầu thỏa thuận thì bạn có thể hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không phải chịu bồi thường.

Ngoài  ra, đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, theo điểm d khoản 1 điều 37 Bộ luật lao động:

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp:

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”

Theo khoản 2 điều 11 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số nội dung của bộ luật lao động:

“ Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn

b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;

c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”.

Như vậy, nếu lí do nghỉ việc vì gia đình của bạn thuộc một trong những trường hợp nêu trên, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty.

Trong trường hợp bạn xin nghỉ với lý do gia đình không thuộc những trường hợp được nếu tại khoản 2 điều 11 Nghị định 05/2015, viêc nghỉ việc của bạn phải được sự đồng ý của công ty và phải thực hiện theo đúng hợp đồng đã giao kết.

Trong trường hợp công ty không đồng ý cho bạn nghỉ việc mà bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, theo điều 43 Bộ luật lao động:

“ Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này

Như vậy, trong trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty, thì bạn có nghĩa vụ bồi thường, hoàn trả theo như hợp đồng.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *