Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thế nào ?

Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thế nào ?

Tư vấn về trường hợp có được nhận tiền bồi thường thiệt hại từ người đã bị khởi tố vệ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nội dung tư vấn như sau:

Câu hỏi: Chào luật sư! Xin luật sư giải đáp hộ tôi một thắc mắc: Tôi có nhờ một người chạy việc cho con với số tiền 150 triệu đồng. Sau này người đó bị công an bắt với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Chúng tôi cũng đã được công an mời ra khai báo những gì liên quan đến mình. Án cũng đã lập xong. Vậy luật sư xin cho hỏi, sau khi xử án xong người đó bị kết đúng tội trạng thì chúng tôi, những người bị hại có được đền bù lại số tiền đã đưa cho họ không? Rất mong nhận được hồi âm của Luật sư. Xin trân trọng cảm ơn ạ!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Vì bạn không nêu rõ là người bị công an khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là lừa đảo với hành vi lừa đảo chạy việc làm để chiếm đoạt tài sản hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn khác nên tôi sẽ chia thành hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, bằng thủ đoạn gian dối chạy việc làm để chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp này, bạn tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Về thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:

Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật dân sự năm 2015 về thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì:

“ 1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

….

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép…”

Nếu còn trong thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“ 1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường…”

Theo đó, sau khi Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do vậy, bên nhận tiền chạy việc của bạn sẽ có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã nhận cho bạn.

Trường hợp thứ hai, là người có chức vụ quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn khác.

Nếu người bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ quyền hạn thì bạn có thể bị khởi tố về tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hành vi dùng tiền để chạy việc là hành vi vi phạm pháp luật, không những không được pháp luật bảo vệ mà bạn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị phát hiện theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

” 1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất

….

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, li ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…” 

Tuy nhiên, theo khoản 7 Điều này thì:

” 7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ…”

Do đó, nếu bạn chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã dùng để đưa hối lộ. Nếu không, bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Hằng – Luật Sư Toàn Quốc

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *