Người lao động đã đặt cọc nhưng sau đó lại từ chối đi lao động tại Nhật Bản

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào luật sư! Tôi tên là L. Hôm nay tôi muốn hỏi luật sư câu hỏi như sau: Mới đây tôi có ước vọng đi lao động nhật bản. Tôi đã đi thi tay nghề và đã được nhận. Trước hôm đi thi tay nghề tôi đã nộp cho môi giới 10 triệu đồng tiền đặt cọc Nhưng trong thời gian nghỉ để chuẩn bị đi học tiếng tôi lại không muốn đi nữa. Tôi đã hỏi môi giới về việc rút hồ sơ và tiền đặt cọc nhưng ông ý không chịu.

Ông ý bảo là do tôi phá hợp đồng nên không trả tiền đặt cọc. Tôi muốn hỏi luật sư là tôi có thể lấy lại hồ sơ và tiền đặt cọc hay không?? quy định pháp luật thế nào? Tôi mới làm một bản giới thiệu đấy có phải là hợp đồng lao động hay không? Tôi đang cần câu trả lời gấp rất mong luật sư tư vấn. Tôi xin trân thành cảm ơn!

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Sư Toàn Quốc. Với câu hỏi này của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo thông tin mà bạn đã cung cấp, bạn có mong muốn đi lao động Nhật Bản. Bạn đã đi thi tay nghề và đã được nhận, đã đóng cho môi giới 10 triệu đồng tiền cọc.

Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội : Hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

c) Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.
Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).

Do đó, nếu bạn không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp sẽ phải trả lại hồ sơ cho bạn và bạn sẽ phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục chobạn đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).

Và tại Thông tư này cũng quy định: “Doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của người lao động sau khi ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh (visa).

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được thu tiền môi giới của người lao đống sau khi ký hợp đồng lao động… Tuy nhiên, để đảm bảo người lao động thực hiện hợp đồng, bên doanh nghiệp dịch vụ đã yêu cầu người lao động nộp 10 triệu đồng tiền đặt cọc. Theo quy định của Bộ Luật dân sự 2005 thì

ĐIều 358. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Nếu giữa bạn và công ty có thỏa thuận đặt cọc và lập thành văn bản thì khi bạn từ chối việc đi xuất khẩu lao động thì khoản tiền bạn đã đặt cọc sẽ thuộc về phía bên công ty dịch vụ.

Nếu như việc đặt cọc giữa bạn và công ty chỉ có thỏa thuận bằng miệng mà không lập thành văn bản thì thỏa thuận về 10 triệu đồng này bị vô hiệu do vi phạm về hình thức hợp đồng, 2 bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do đó, khi bạn từ chối việc đi xuất khẩu lao động, công ty cũng sẽ có nghĩa vụ hoàn trả số tiền 10 triệu đồng mà bạn đã đặt cọc.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *