Người lao động trong biên chế nhà nước có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Hỏi: Tôi hiện đang làm việc tại một Trung tâm bồi dưỡng chính trị thi xã, được tuyển vào biên chế năm 2001, trước đây hàng tháng chỉ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nhưng vào đầu năm 2015, kế toán cơ quan trừ thêm 1% để đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy cho tôi hỏi tôi đã được tuyển vào biên chế chính thức vì sao phải đóng bảo hiểm thất nghiệp? Số tiền này sẽ giải quyết thế nào khi tôi làm việc đến tuổi hưu mới nghỉ?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì hiện bạn đang công tác tại một đơn vị nhà nước và biên chế chính thức. Từ năm 2001 đến hết 2004, đơn vị không đóng BHTN cho người lao động. Đầu năm 2015, đơn vị thực hiện chế độ đóng BHTN cho người lao động. Việc đơn vị bạn đóng BHTN là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật theo quy định của Luật việc làm. Căn cứ:

Điều 2 – Luật việc làm 2013. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.

Căn cứ theo quy định trên, cứ những cơ quan, đơn vị nào có sự tham gia của người lao động làm việc thì đều là đối tượng áp dụng của Luật việc làm 2013. Khi Luật việc làm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 thì tất cả người lao động tham gia lao động đều phải đóng BHTN. Căn cứ:

Điều 57 – Luật việc làm 2013. Mức đóng, nguồn hình thành và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

b) Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Số tiền đóng BHTN mà bạn đóng sẽ không được hưởng hay nói cách khác là BHXH sẽ không hoàn trả khi bạn về nghỉ chế độ hưu trí. Căn cứ:

Điều 49 – Luật việc làm 2013. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

Tuy nhiên, nếu như trong thời gian làm việc mà bạn xin chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bên phía đơn vị thì bạn hoàn toàn đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp này.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *