Người sử dụng lao động giữ văn bằng, chứng chỉ của NLĐ phải làm gì?

Tôi làm nhân viên kinh doanh cho 1 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Khi bắt đầu làm tôi có ký hợp đồng lao động 2 năm, công ty yêu cầu nộp bằng gốc (có biên bản nhận nhưng không có dấu công ty). Hợp đồng không ghi lương, không có văn bản đính kèm về lương (chỉ thoả thuận bằng lời nói). Hai tháng đầu công ty trả lương đúng thoả thuận.

Về sau, 2 tháng công ty mới trả lương 1 lần và tiền lương chỉ bằng 1 nửa so với thoả thuận. Ba tháng cuối trước khi nghỉ việc tôi không được nhận lưowng. Trong quá trình làm việc tôi thấy không phù hợp nên đã tự ý nghỉ việc. Giờ công ty yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo (3 tháng đầu) mới trả lại bằng. Mong quý công ty tư vấn tôi trường hợp của tôi pháp luật quy định thế nào để tôi có phương án giải quyết sự việc?

Trả lời tư vấn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động:

Điểm b, khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012 quy định trường hợp người lao động không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, người lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp động lao động trước thời hạn.

Trường hợp này, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 30 ngày.
Nếu bạn không đáp ứng điều kiện báo trước thì được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Điều 43 Bộ luật lao động quy nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định.

Đối với nghĩa vụ bồi thường chi phí đào tạo:

Điều 62 Bộ luật lao động quy định, trường hợp 2 bên có ký hợp đồng học nghề trong đó có điều khoản về nghĩa vụ bồi thường chi phí đào tạo thì khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trái pháp luật thì phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Trường hợp của bạn không có hợp đồng đào tạo nghề giữa bạn và người sử dụng lao động, do vậy khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bạn chỉ có nghĩa vụ bồi thường nửa tháng tiền lương và 1 khoản tiền ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước và không phải bồi thường chi phí đào tạo.

Đối với việc người sử dụng lao động giữ giấy tờ bản gốc của người lao động:

Điều 20 Bộ luật lao động quy định, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

Điểm a, khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ – CP, đối với hành vi giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động thì người sử dụng lao động bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Thủ tục giải quyết tranh tranh lao động cá nhân:

Trong trường hợp này, nếu công ty không trả lại văn bằng gốc cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến giám đốc công ty.

Nếu sau khi khiếu nại vẫn không được giải quyết, bạn có thể nộp đơn tới phòng lao động thương binh xã hội để yêu Hòa giải viên lao động hòa giải.

Tuy nhiên, trường hợp tranh chấp lao động về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải.

Do vậy, bạn có thể nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đó có trụ sở để yêu cầu được giải quyết quyền lợi.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *