Người sử dụng lao động tự ý cắt lương của người lao động trái quy định của pháp luật

A đăng ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Đến khi nhận lương thì người sử dụng lao động tự ý cắt giảm lương của A mà không hề thông báo trước. Chị A cần làm gì để đòi lại quyền lợi của mình? Cụ thể như sau:

Tình huống: Chào luật sư.Cho mình hỏi về vấn đề lương.Mình làm việc ở công ty được hơn 2 năm, khi ký HĐLĐ mức lương là 6.000.000đ. Đến cuối tháng 09 mình làm đơn xin nghỉ việc, viết đơn đúng theo quy định là trước 30 ngày. Mình viết đơn xin nghỉ việc riêng là 4 ngày và được sự chấp thuận của trưởng phòng, ban lãnh đạo. Sau đó mình đi làm lại vào đầu tháng 10, để bàn giao công việc ( công việc mình đã bàn giao đầy đủ) mình viết đơn xin nghỉ trước thời gian quy địn 30 ngày và được công ty chấp thuận và đã có quyết định cho nghỉ việc. Nhưng đến khi mình nhận lương của tháng 09 (23 ngày công) thì đáng ra trừ bảo hiểm các loại mình phải được lĩnh phải là 4.600.000đ ( công ty mình bắt NLĐ đóng 100% bảo hiểm) nhưng công ty lại hạ mình một bậc lương và chỉ còn nhận được 2.800.000 đ. Mình muốn viết đơn để đòi lại số lương còn lại. Xin luật sư tư vấn giúp mình xem công ty làm như thế có đúng không, và mình nên làm thế nào để đòi lại quyền lợi. ( Sếp công ty mình tính lương không theo một tiêu chí nào, không theo luật mà chỉ thích làm sao làm, thích cho ai bao nhiêu cho).Mong nhận được sự giúp đỡ từ phía luật sư…Trân trọng cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, với thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin trả lời tư vấn như sau:

Thứ nhất,  Công ty bạn tự ý cắt lương của bạn là trái quy định của pháp luật. Cụ thể tại Điều 96 Bộ luật lao động 2012 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:

“Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn

 …”

Thứ hai, bạn có thể làm đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động như sau:

Trước tiên xác định trong tình huống này là tranh chấp lao động cá nhân. Theo đó, căn cứ Điều 200 BLLĐ 2012 có quy định về cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:

“1. Hòa giải viên lao động.

2. Tòa án nhân dân.”       

Căn cứ khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012 thì “..những tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết…”

Theo Khoản 1 Điều 198 BLLĐ 2012 thì “hòa giải viên lao động do cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để hòa giải tranh chấp lao động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề”.

Căn cứ Điều 7 Thông tư số 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động quy định:

“Điều 7. Tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động

1. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề.

2. Bên yêu cầu hòa giải được lựa chọn hòa giải viên lao động để đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

3. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

4. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

Quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động theo mẫu số 04/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải viên lao động phải thông báo chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp hòa giải cho các bên tranh chấp biết trước ít nhất một ngày làm việc trước khi tiến hành.

6. Trường hợp cần thiết thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khác trong tỉnh để cử hòa giải viên lao động hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động.

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đề nghị hỗ trợ hòa giải viên lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP.

Theo đó, bạn có thể làm đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động tại  Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp quận/huyện mà Công ty có trụ sở. Và họ có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động, sau đó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện/quận quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động cho bạn.

Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên nhận được yêu cầu hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì chị bạn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, cụ thể ở đây là Tòa án nhân dân quận/huyện đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *