Sai phạm trong việc ký kết hợp đồng lao động

Luật sư tư vấn về trường hợp chủ sử dụng lao động không ký kết hợp đồng với người lao động và phân công công việc không đúng chuyên môn của người lao động.

Nội dung cần tư vấn:

Dạ cho tôi hỏi. Tôi đang làm việc cho một công ty, thời hạn đã gần một năm rồi công ty vẫn chưa kí hợp đồng. Ban đầu tôi xin vào dạy bơi và cứu hộ. Nhưng từ khi đi làm giám đốc của tôi chưa bao giờ cho tôi làm việc gì liên quan đến chuyên ngành của mình. Ông giao cho tôi làm những công việc tôi không thành thạo, liên quan đến tiền bạc, lúc làm thủ quỷ, lúc thì kế toán cho ông, lúc thì bán hàng, trong qua trình làm việc liên quan đến những khoảng thu chi, sau khi ông tuyển được kế toán và kêu tôi bàn giao công việc, ông tính thất thoát tiền của ông lên đến 60 triệu, bởi vì không đúng chuyên ngành, trong quá trình làm việc tôi có sơ suất chi những khoảng tiền nhưng quên ghi vào sổ chi, và hiện tại tôi cũng không tìm được khoảng chi đó nằm ở đâu? xin hoi luật sư nếu vậy tôi có phải bồi thường không ạ? Mà nếu bồi thường thi tôi phải bồi thường như thế nào khi mà ông giao cho tôi những công việc không phải chuyên ngành của tôi và cũng chưa từng kí hợp đồng lao động khi tôi làm gần được một năm rồi?

Trả lời: Luật Sư Toàn Quốc xin tư vấn cho bạn như sau:

Dựa vào những thông tin bạn đưa ra, giám đốc của bạn đã vi phạm một số quy định về nghĩa vụ đối với người lao động. Cụ thể:

1) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Điều 18 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động như sau:

1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.

Như vậy ngay từ khi nhận bạn vào làm việc, công ty phải có nghĩa vụ kí kết hợp đồng lao động với bạn. Mục đích của việc này là để xác định sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Không có hợp đồng lao động thì coi như quan hệ lao động không tồn tại.

2) Vi phạm về hình thức hợp đồng lao động.

Điều 16 Bộ luật quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau.

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Có thể khi nhận bạn vào làm việc, giám đốc đã “ký kết” một hợp đồng bằng lời nói với bạn. Tuy nhiên giao kết hợp đồng bằng lời nói chỉ áp dụng đối với công việc có thời hạn dưới 3 tháng. Việc nhận bạn vào làm 1 năm và không có văn bản nào về hợp đồng lao động là trái với quy định của Luật lao động.

3) Vi phạm về vấn đề chuyển người lao động đi làm việc khác.

Điều 31 Bộ luật quy định về chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau:

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Do bạn không trình bày cụ thể nên chúng tôi xin đưa ra nội dung trên đây để bạn có thể đối chiếu với vụ việc và tìm ra sai phạm của giám đốc đối với vấn đề chuyển lao động làm công việc khác. Nhưng vì không có hợp đồng lao động nên việc này phụ thuộc vào khả năng chứng minh của bạn.

Từ đó, có thể thấy rằng giữa bạn và giám đốc kia không hình thành quan hệ lao động vì không có hợp đồng lao động. Do vậy những vấn đề phát sinh trong thời gian bạn làm việc ở công ty sẽ không được giải quyết dưới góc độ lao động mà là về quan hệ dân sự thông thường. Tuy nhiên trong trường hợp này, khi bạn làm thất thoát 60 triệu của công ty, nếu giám đốc chứng minh được điều này thì bạn vẫn phải có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định khác về trách nhiệm dân sự của Bộ luật dân sự năm 2005. Ngoài ra bạn có quyền kiện giám đốc của mình vì đã vi phạm những quy định nêu trên của Luật lao động.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *