Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận thương binh quy định thế nào?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Thưa Luật sư. Bản thân tôi, sinh năm 1968, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên (Hà Tuyên cũ) giai đoạn 1987-1989 và bị thương. Tôi đã làm mất giấy tờ liên quan tới quá trình điều trị khi bị thương. Hiện nay còn lưu giữ được 01 tờ giấy quyết định xuất ngũ năm 1989; Liên hệ được với 03 đồng chí cùng đơn vị chứng kiến hoàn cảnh bị thương, trong đó có 01 đồng chí là Tiểu đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy khi tôi tham gia chiến đấu, hiện nay đã nghỉ hưu.

Tôi cũng đã trở lại đơn vị cũ để xin sao lục hồ sơ lưu nhưng đã giải thể. Từ năm 1990 đến nay, tôi chỉ lo làm ăn, tuổi càng ngày càng lớn, bạn bè cũng đã khuyên bảo nhiều, nên làm chế độ để sau này còn nhờ cậy Đảng và Nhà nước. Rất mong được sự tư vấn của Luật sư. Tôi thành thật biết ơn và xin hậu tạ. Cảm ơn 

Trả lời tư vấn:

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn như sau: Điều 27 Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định Điều kiện xác nhận 

“1. Người bị thương thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (sau đây gọi chung là thương binh): 

a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; 

b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu; 

c) Hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không khuất phục, kiên quyết đấu tranh, để lại thương tích thực thể; 

d) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ. 

Trường hợp bị thương trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là thương binh; 

đ) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; 

e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; 

g) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; 

h) Làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; 

i) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao.  Nếu thuộc một trong những trường hợp trên thì anh có thể đề nghị xác nhận thương binh để làm hồ sơ hưởng chế độ. Tuy  nhiên, hiện nay anh bị mất giấy tờ chứng minh quá trình bị thương nên khi đề nghị cơ quan địa phương làm hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận thương binh sẽ không đủ căn cứ. Việc đơn vị cũ đã giải thể và hiện nay anh đã liên hệ được với một số  người cùng đơn vị cũ thì có thể yêu cầu họ làm chứng xác nhận quá trình công tác và tình trạng bị thương của anh.  Sau đó liên hệ tới Phòng lao động thương binh và xã hội yêu cầu họ các giấy tờ thủ tục cần thiết để hồ sơ đề nghị xác binh thương binh được đầy đủ và được chấp  nhận.
Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến 0926 220 286 của chúng tôi để được giải đáp.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *