Pháp luật quy định mức đóng bảo hiểm xã hội như thế nào? Tiền lương trong hợp đồng lao động có phải căn cứ duy nhất đóng bảo hiểm xã hội không? Luật Sư Toàn Quốc giải đáp thắc mắc liên quan đến mức đóng bảo hiểm xã hội qua tình huống sau đây:
1. Luật sư tư vấn về mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội được thực hiện theo một số nguyên tắc cụ thể, trong đó có quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế mức lương trong hợp đồng lao động có sự chênh lệch với mức lương thực hưởng vì thế người lao động nếu không nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Do vậy, nếu bạn có thắc mắc liên quan đến pháp luật an sinh xã hội nói chung và mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động nói riêng, bạn cần tham khảo các quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Sư Toàn Quốc để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.
Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 0926 220 286 để được tư vấn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tư vấn về mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động
Nội dung tư vấn như sau: Thưa luật sư, Luật sư vui lòng tư vấn giúp tôi trường hợp sau:Theo quy định của nhà nước về các khoản phụ cấp đóng BHXH thì các loại phụ cấp như tiền hỗ trợ xăng xe, tiền hỗ trợ nhà ở, đi lại, điện thoại…không phải đóng BHXH.
Công ty tôi đóng BHXH theo mức lương căn bản, còn phần chênh lệch so với mức lương thực nhận thì đưa hết vào phụ cấp xăng xe, đi lại, nhà ở thể hiện trên bảng lương.Đặc biệt, các khoản phụ cấp này không thể hiện trong HĐLĐ. Nhưng trong thỏa ước lao động tập thể và quy chế thu nhập thì có để mức trần và mức sàn cho các loại phụ cấp này. Căn cứ vào mức trần và mức sàn đó phiên qua.Ví dụ: Lương thực nhận 10,000,000. MLCB: 5,200,000. Phụ cấp nhà ở: 3,000,000. Phụ cấp đi lại: 1,800,000.Vậy luật sư cho tôi hỏi. Công ty tôi có cần phải thể hiện các loại phụ cấp này trong HĐLĐ không hay chỉ cần thể hiện trong Thỏa ước lao động tập thể và quy chế thu nhập? Và nếu đưa phần chênh lệch đó vào phụ cấp xăng xe, đi lại, nhà ở để không phải đóng BHXH thì có được không? Mong nhận được câu trả lời từ luật sư.Chân thành cảm ơn. Trân trọng!
Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Luật Sư Toàn Quốc. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:
Tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH quy định về tiền lương như sau:
“1. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:
a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động và Điều 7, Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương;
b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương, cụ thể:
– Bù đắp yếu tố điều kiện lao động, bao gồm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
– Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc, như công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của người lao động.
– Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt, như công việc thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc người lao động phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của người lao động không thuận lợi khi thực hiện công việc.
– Bù đắp các yếu tố để thu hút lao động, như khuyến khích người lao động đến làm việc ở vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề, công việc kém hấp dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến khích người lao động làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.
c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.”
Mặt khác, Điều 23 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:
“1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
…
đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trong hợp đồng lao động phải nêu rõ mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.
Như vậy, trong hợp đồng lao động phải ghi rõ mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; phần chênh lệch lương có thể đưa vào phụ cấp xăng xe, đi lại, nhà ở để không phải đóng BHXH.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn luật Lao động trực tuyến của chúng tôi – 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.