Trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động khi làm mất bằng gốc của người lao động

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Dạ chào quý công ty, Em có chút việc cần sự tư vấn của các luật sư: Em là sinh viên mới ra trường, T8/2014 em có xin vào làm tại 1 công ty ở Hà Nội, khi công ty nhận hồ sơ của em thì có yêu cầu nộp bán chính bằng Đại học, và có biên nhận giữ bằng. Đến T6/2015, em xin thôi việc tại công ty và yêu cầu lấy lại hồ sơ (có bản chính bằng đại học) thì được phía công ty trả lời là bằng đại học của em đã bị thất lạc.

Em muốn hỏi Luật sư là trong trường hợp này công ty sẽ bồi thường cho em như thế nào? và nếu công ty không chịu bồi thường mà cứ vòng vo thì em sẽ phải làm những gì để đòi lại được quyền lợi  cho mình ạ?

Rất mong nhận được tư vấn của Luật sư! Em cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

Điểm a, khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ – CP quy định: đối với hành vi giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động thì người sử dụng lao động bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Về việc yêu cầu bồi thường đối với người làm mất: Hiện nay chưa có một văn bản cụ thể nào quy định về việc người sử dụng lao động làm thất lạc giấy tờ của người lao động thì phải đền bù bao nhiêu nên việc bồi thường giữa bạn và công ty hoàn toàn dựa vào thỏa thuận giữa hai bên. Nếu không thỏa thuận được, bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bồi thường. Bạn cần chứng minh được việc công ty làm thất lạc bằng Cử nhân có thể gây ra thiệt hại trên thực tế như thế nào và căn cứ vào đó để tính mức bồi thường.

Trường hợp bằng tốt nghiệp và bảng điểm bị mất: Trước tiên, bạn có nghĩa vụ trình báo ngay cho cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ và cơ quan công an nơi gần nhất khi bị mất bản chính văn bằng, chứng chỉ. Và theo Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT, về nguyên tắc “bản chính văn bằng, chứng chỉ cấp một lần, không cấp lại”. Tuy nhiên, bạn có thể làm thủ tục yêu cầu cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc, bởi vì theo Điều 24, Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT: “Bản sao văn bằng, chứng chỉ được cấp từ sổ gốc có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch”.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *