Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động

Luật sư tư vấn về trường hợp người lao động không ký hợp đồng lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc thì được hưởng những quyền lợi gì? Cụ thể như sau:

Ngày 01/10/2017 vừa qua không may bị tai nạn lao động, nguyên nhân là do người làm cùng dập cầu dao điện dẫn đến gãy chân, tỷ lệ thương tật 60% có giấy chứng thương của bệnh viện. Tuy nhiên đến nay chủ cơ sở sản xuất cũng như người trực tiếp gây tai nạn cho Mẹ em chưa có bất cứ một phản hồi hay trách nhiệm gì. vậy Em muốn hỏi luật sư trách nhiệm của các bên ở đây như nào? Mẹ Em có được bồi thường tại nạn không ạ? các tình tiết dưới có đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự không? 1. Mẹ em không có hợp đồng lào động , chỉ hợp đồng miệng với chủ cơ sở sản xuất, không có bảo hiểm cho người lao động, không được trang bị bảo hộ lao động, chủ cơ sở sản xuất không có giấy phép kinh doanh 2.máy sản xuất của chủ cơ sở sản xuất không có đăng kiểm.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới công ty Luật Sư Toàn Quốc, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về  loại hợp đồng:

Vì như thông tin bạn trình bày không có nói rõ mẹ bạn đã làm việc tại đó bao lâu thì rất khó để xác định rõ loại hợp đồng giữa hai bên.

Theo Điều 22 Luật Lao động 2012 quy định:

Điều 22. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Theo như quy định của pháp luật thì hiện nay đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ không bắt buộc phải giao kết bằng văn bản, do đó nếu mẹ bạn và phía chủ cơ sở giao kết bằng miệng thì vẫn có giá trị ràng buộc đối với các bên. Ngược lại, nếu mẹ bạn thuộc các trường hợp đã làm việc cho bên chủ cơ sở quy định tại điểm a),b) Điều 22 Luật Lao động 2012 thì việc không ký hợp đồng với mẹ bạn là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Ngoài ra thì phía chủ cơ sở sẽ bị xử phạt theo Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

…”

Thứ hai, về bồi thường tai nạn lao động

Về trách nhiệm của phía  bên chủ sở hữu:

Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 Trách nhiệm của NSDLĐ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

“Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Như vậy, theo như quy định của luật thì phía bên chủ sở hữu phải có trách nhiệm thanh toán cho mẹ anh những chi phí được quy định tại Điều 38 trên.

Về trách nhiệm của bên gây tai nạn:

Trong trường hợp của mẹ bạn thì theo như bạn cung cấp thông tin do lỗi của phía người làm việc chung với mẹ bạn đã gây ra thiệt hại cho mẹ thì  sẽ đặt ra trách nhiệm bồi thường về dân sự, cụ thể:

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, phía bên gia đình bạn có căn cứ chứng minh là mẹ bạn bị thương do lỗi của người làm cùng thì hoàn toàn có thể yêu cầu phía người gây ra thiệt hại bồi thường cho mình. Hiện tại, phía hai gia đình có thể ngồi lại với nhau để thỏa thuận về mức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được thì gia đình bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết vấn đề này.

Thứ ba, về vấn đề an toàn lao động

Như thông tin bạn cung cấp thì hiện tại chủ cơ sở không có các trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động thì sẽ bị xử phạt theo Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Ngoài ra việc sản xuất không có giấy phép kinh doanh thì theo quy định của pháp luật: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *