Tư vấn bồi thường chi phí đào tạo của viên chức.

Luật sư tư vấn về trường hợp viên chức được cử đi đào tạo, thời hạn áp dụng các quy định, quy chế đào tạo?. Việc tính toán bồi thường chi phí đào tạo như thế nào? Mức bồi thường khi chưa hoàn thành chương trình học?

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư, xin Luật sư tư vấn cho trường hợp của bạn tôi, như sau: Bạn tôi công tác trong cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, ngạch viên chức, hợp đồng không xác định thời hạn.

Trường hợp 1:Tháng 7 năm 2010, bạn tôi được cử đi đào tạo tại nước ngoài trình độ thạc sỹ. Thời gian đào tạo là 30 tháng. Tháng 1/2013, bạn tôi bắt đầu trở lại đơn vị làm việc. Đến tháng 8 năm 2017, bạn tôi xin nghỉ việc. Thời gian trở lại làm việc sau đào tạo là 56 tháng. Xin luật sư cho biết:

1. Thời gian bắt đầu đi học là tháng 7 năm 2010. Việc áp dụng các quy định, quy chế đào tạo được ban hành sau tháng 7 năm 2010 thì có đúng không? Nếu phải áp dụng các quy định trước tháng 7 năm 2010 thì xin luật sư cho biết cụ thể là quy định nào ạ.

2. Trường hợp viên chức (không phải công chức) thì việc tính toán bồi thường chi phí đào tạo có được giảm trừ mức 1%/năm làm việc không ạ?

Trường hợp 2: Bạn tôi được cho đi học thạc sỹ trong nước, học ngoài giờ. Ban ngày vẫn đi làm bình thường. Cơ quan chỉ cấp học phí. Bạn tôi xin nghỉ khi chưa hoàn thành chương trình học. Với trường hợp này, ngoài bồi thường tiền học phí thì bạn tôi có phải bồi thường tiền lương hay tiền bảo hiểm hay bất kỳ khoản nào khác không?Mức bồi thường học phí là 100%, hay có được xem xét mức giảm dựa trên thời gian 2 năm vừa làm việc vừa đi học không ạ? Xin trân trọng cảm ơn Luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Sư Toàn Quốc. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

Căn cứ Điều 35, luật viên chức 2010 quy định về Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng:

“1. Viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.

3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.”

Theo như quy định trên thì hợp đồng đào tạo là sự thỏa thuận về những điều khoản liên quan đến đào tạo của người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, thời hạn đào tạo là một trong những điều khoản do các bên thỏa thuận, việc đào tạo sẽ kéo dài bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Hiện nay, pháp luật chưa giới hạn về thời gian đào tạo trong hợp đồng đào tạo giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, việc áp dụng các quy định, quy chế đào tạo được ban hành được áp dụng trước hay sau tháng 7 năm 2010 sẽ căn cứ dựa trên nội dung quy chế đào tạo tại đơn vị của bạn, bởi lẽ quy chế đào tạo do đơn vị tự quy định trong cơ chế đào tạo của đơn vị. Cho nên, bạn cần xem xét lại nội dung của quy chế đơn vị bạn ban hành trước và sau tháng 7 năm 2010 có nội dung trùng khớp và phù hợp hay không để xác định việc áp dụng quy chế phù hợp.

Trong trường hợp bạn được cử đi đào tạo thì khi chấm dứt hợp đồng làm việc, bạn phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật Viên chức 2010: “3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.”

Về đền bù chi phí đào tạo: căn cứ quy định tại điều 7, Nghị định 101/2017/NĐ-CP:

“Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.

2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.”

Do đó, nếu bạn thuộc các trường hợp trên, bạn phải đền bù chi phí đào tạo. Và điều kiện được giảm chi phí đền bù được quy định tại Điều 9, nghị định 101/2017/NĐ-CP.

“Mỗi năm công tác của cán bộ, công chức, viên chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo) được tính giảm 1% chi phí đền bù. Trường hợp là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% chi phí đến bù.”

Vậy nên, trong trường hợp nếu bạn là viên chức (không phải công chức) thì việc tính toán bồi thường chi phí đào tạo sẽ được tính giảm 1% chi phí đền bù/ 1 năm công tác. Nếu bạn là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số việc tính toán bồi thường chi phí đào tạo sẽ được tính giảm 1,5% chi phí đền bù/ 1 năm công tác.

Về chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù: Căn cứ quy định tại Điều 8, Nghị định 101/2017:

“1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

2. Cách tính chi phí đền bù:

a) Đối với trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 7 Nghị định này, cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù;…”

Như vậy, bạn thuộc trường hợp tự ý bỏ học trong thời gian đào tạo theo quy định tại khoản 1, Điều 7. Vậy nên, nếu cơ quan bạn chỉ cấp học phí thì khi bạn xin nghỉ khi chưa hoàn thành chương trình học, bạn sẽ phải hoàn trả lại 100%  học phí cho cơ quan của bạn.

Ngoài ra, bạn phải thực hiện nghĩa vụ của người lao động trong trường hợp bạn tự ý nghỉ học mà không thông báo với cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước. Căn cứ quy định tại Điều 43, BLLĐ 2012 về  Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

Do đó, nếu bạn vi phạm các quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng, bạn còn phải bồi thường một khoản tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước (Số ngày căn cứ vào Khoản 2 Điều 37, mỗi lý do sẽ có số ngày báo trước khác nhau, không nhất thiết phải là 30 ngày). Do đó, cần lưu ý, chỉ trong trường hợp bạn chấm dứt hợp đồng lao động này theo những lý do quy định tại Khoản 1 Điều 37, nhưng lại vi phạm thời hạn báo trước quy định tại Khoản 2 điều này thì bạn mới phải bồi thường khoản tiền này.

Vậy nên, bạn sẽ phải bồi thường học phí cho phía đơn vị nếu vi phạm các hành vi nêu trên. Đồng thời, nếu bạn vi phạm các quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng, bạn còn phải bồi thường một khoản tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước.

“Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *