Tư vấn pháp luật về ký hợp đồng lao động giữa hai người cùng góp vốn

Luật sư tư vấn về giám đốc có phải ký hợp đồng lao động với phó giám đốc không và việc ký kết hợp đồng thời vụ đối với người lao động khác. Cụ thể như sau:

Thưa Luật sư: Công ty em là công ty TNHH 2 thành viên, vốn điều lệ là 2 tỷ. Thành lập ngày 25/5/2017. Công ty em hiện tại có 3 nhân viên là Giám đốc, phó giám đốc (là 2 người góp vốn), và 1 kế toán. Luật sư cho em hỏi mộ số vấn đề sau ạ:

1. Đối với 2 người góp vốn là Giám đốc và Phó giám đốc thì có phải ký hợp đồng lao động không? và có phải đóng bảo hiểm ngay khi thành lập không?

2. Vợ của Giám đốc có được làm kế toán trưởng hay không?

3. Công ty em là công ty về bên dịch vụ nên khi có công việc thì em thuê lao động phổ thông (Tiền công tính trên ngày) vậy trong hợp đồng lao động thời vụ với họ em quy định lương/ngày được không? Em không làm cam kết biểu 02/TNCN thì thu nhập em có phải trích tại nguồn 10% không? Và cứ có công trình thì em ký hợp đồng thời vụ với họ được không? hay không được ký quá 2 lần?

Em cảm ơn! Rất mong nhận được hồi đáp của Luật sư ạ.– Thank you!

Trả lời tư vấn: Luật Sư Toàn Quốc cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, có phải ký hợp đồng lao động không?

Theo quy định tại Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014: “1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Theo đó, trong trường hợp công ty của bạn chỉ do giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty , theo đó phó giám đốc có thể ký kết hợp đồng lao động với công ty thỏa thuận về tiền lương, quyền và nghĩa vụ của các bên.Tuy nhiên, nếu phó giám đốc cũng là đại diện cho công ty thì trong trường hợp này thì không được phép ký kết hợp đồng lao động.

Thứ hai, thời điểm đóng bảo hiểm

Thời điểm đóng bảo hiểm là thời điểm công ty vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc là thời điểm thực tế bạn bắt đầu làm việc tại công ty.

Thứ ba, vợ của giám đốc có được làm kế toán trưởng không?

Căn cứ vào Điều 52 Luật kế toán năm 2015 về những người không được làm kế toán được quy định như sau:

Điều 52. Những người không được làm kế toán

1. Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

3. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

4. Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.”

Theo quy định của pháp luật, vợ của giám đốc không được làm kế toán của công ty.

Thứ tư, trong hợp đồng quy định về ngày làm việc, lương

Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”

Theo đó, trong hợp  đồng  lao động ký kết bắt buộc phải ghi nhận thời gian làm việc, tiền lương chi trả.

Thứ năm, hợp đồng thời vụ

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động 2012 quy định: “2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”

Như vậy, khi bạn thuê lao động phổ thông thực hiện công việc theo thời vụ thì bạn có thể ký hợp đồng với họ.

Thứ sáu, có phải ký hợp đòng thời vụ với họ không?

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật lao động 2012 quy định:

“2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn”

Như vậy, việc hạn chế ký hai hợp đồng chỉ khi hợp đồng lao động hết hạn mà  người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *