Tư vấn về chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng

Tư vấn về chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng

Luật sư tư vấn về chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng, cụ thể như sau:

Kính thưa luật sư. Xin luật sư tư vấn giúp tôi một việc sau: Chồng tôi mới đuợc hưởng chế độ thương binh loại A, thương tật hạng 4/4 , tỉ lệ 35%, đồng thời bị nhiễm chất độc da cam với 2 bệnh chính là Tiểu đường tuýp 2, và Tâm thần. Tỉ lệ thương tật 41%.Đã nhiều năm nay chồng tôi bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo đặc biệt nặng như :         1: Suy tim độ 4.      2:  Tăng huyết áp giai đọan 3     3:  Tâm thần,      4:  Tiểu đường tuýp 2,      5: Viêm và thóai hóa khớp,        6: Suy thận độ 2,    7: Tai biến mạch máu não, liệt nửa người phải và liệt nửa người dưới, chân hoại tử không đi lại được. Không tự vận động và không tự phục vụ bản thân, đái ỉa không tự chủ, nói ngọng, tay run, không còn khả năng lao động, ngoài ra lại còn phải có người phục vụ, chăm sóc đặc biệt.     8: Đặc biệt nguy hiểm nhất là phình tách động mạch chủ bụng chậu 2 bên giai đọan cuối, khiến đường niệu đạo bị đè nén lên gây ách tắc khó tiểu tiện và vô cùng đau đớn. Truớc đó chồng tôi được ủy ban nhân dân cấp cho một thẻ chứng nhận tàn tật đặc biệt nặng, hưởng 675.000 đồng/ tháng và tôi cũng được công chăm sóc là 270.000 đồng/ tháng.     Sau nhiều năm làm đơn gửi đi mãi tháng 7/2017 các cơ quan có thẩm quỳên ở Thanh hóa mới giải quýêt cho đi giám định thuơng tật thuơng binh và chất độc da cam thì đuợc kết luận với tỉ lệ như trên.Chồng tôi không còn khả năng lao động ,đái ỉa không tự chủ, không những thế lại còn phải có người phục vụ, mảnh đạn trong ngực trái và 3 mảnh kim khí trong khớp vai trái đã làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống rất đau đớn và tái phát thường xuyên.Về phần chất độc da cam thì bị 2/17 loại bệnh là tiểu đường và tâm thần mà đuợc kết luận 41%. Cả hai Kết lụân như vậy có đúng không ? Tôi muốn đề nghị giám định lại mức suy giảm khả năng lao động có được không ? hoặc chồng tôi đã phục viên năm 1980 thì có đuợc xét là bệnh binh không ?Và chồng tôi đang hưởng chính sách người tàn tật đặc biệt nặng với mức là 675.000 đồng/ tháng và tiền công phục vụ chăm sóc người đặc biệt nặng của tôi là 270.000 đồng / tháng là tiền bảo trợ xã hội cấp có bị cắt đi không ? Tôi cảm thấy không thỏa đáng nên kính nhờ luật sư tư vấn gíup tôi. Tôi phải làm gì ?Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đến Luật Sư Toàn Quốc! Trường hợp của bác chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 19, Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi với người có công với Cách mạng 2012 quy định: “1. Thương binh là quân nhân, công an nhân dân bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh” thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;

b) Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh, để lại thương tích thực thể;

c) Làm nghĩa vụ quốc tế;

d) Đấu tranh chống tội phạm;

đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

e) Làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

g) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;

h) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm”.

Theo đó, nếu bác trai thuộc một trong các trường hợp quy định như trên thì bác trai sẽ được xác định là thương binh loại A, và với tỉ lệ thương tật là 35% thì bác trai sẽ thuộc hạng thương binh 4/4.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 3, Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng quy định như sau:

“4. Chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện như sau:

a) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận trước ngày 01 tháng 9 năm 2012, hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tiếp tục hưởng chế độ hiện hưởng.

Người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì tiếp tục hưởng chế độ cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2012 và được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.”

Như vậy, việc kết luận chồng của bác là thương binh loại A hạng 4/4 với tỉ lệ thương tật là 35% và chất độc màu da cam với tỉ lệ thương tật là 41% là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Còn đối với tỉ lệ thương tật mà bên giám định đưa ra thì đây là vấn đề liên quan đến chuyên môn nên chúng tôi không thể xác định được là đúng hay sai.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 4, Điều 3, Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng quy định:

“Trường hợp người đã được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% mà có yêu cầu thì có thể được giám định lại và được hưởng trợ cấp tương ứng với mức độ suy giảm khả năng lao động theo kết quả giám định;”

Như bác có đề cập, chồng bác đã được xác định bị chất độc màu da cam với mức suy giảm là 41% và được hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động nên bác hoàn toàn có thể yêu cầu được giám định lại.

Theo quy định tại Điều 23, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung pháp lệnh ưu đã đối với người có công với cách mạng thì:

“Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ về gia đình được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;

b) Hoạt động liên tục ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ mười lăm tháng trở lên;

c) Hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa đủ mười lăm tháng nhưng đã có đủ mười năm trở lên công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân;

d) Đã công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đủ mười lăm năm nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí;

đ) Làm nghĩa vụ quốc tế;

e) Thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;

g) Khi đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao.

3. Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh khi thực hiện nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1 Điều này đã xuất ngũ về gia đình, nay bị rối loạn tâm thần có liên quan đến bệnh cũ làm suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.”.

Như vậy, nếu chồng của bác đã phục viên từ năm 1980 nhưng đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì chồng bác vẫn được công nhận là bệnh binh.

Theo quy định tại Điều 31, Thông tư 05/2013/TT- BLĐTBXH thì:

“ Thương binh đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học:

a) Thương binh nếu đủ điều kiện hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì lập hồ sơ theo quy định tại Điều 27 của Thông tư này và hưởng thêm trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật;

b) Khi giới thiệu thương binh đi giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do nhiễm chất độc hóa học, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải ghi rõ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật đã được giám định trước đây;

c) Tổng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật không vượt quá 100%. Trường hợp vượt quá 100% thì tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật làm căn cứ hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được xác định bằng 100% trừ đi tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật.”.

Như vậy, chồng bác có thể được hưởng trợ cấp với thương binh và trợ cấp với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất đọc hóa học theo tỉ lệ thương tât. Và với cách tính như trên, chồng bác không thể đồng thời nhận chế độ ưu đãi với người có công (thương binh và nhiễm chất đọc hóa học) lại vừa nhận ưu đãi xã hội với mức là 675.000 đồng/ tháng và tiền công phục vụ chăm sóc người đặc biệt nặng của bác là 270.000 đồng / tháng. Chồng bác sẽ chỉ được hưởng một trong hai chế độ và nếu hưởng chế độ ưu đãi với ngưởi có công thì sẽ bị cắt khoản bảo trợ xã hội đó.

Theo quy định của pháp luật thì Sở Lao động- Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có quyền giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến các lĩnh vực lao động, thương binh, chính sách xã hội. Do đó, nếu bác cảm thấy vẫn chưa thỏa đáng với cách chi trả trợ cấp của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa thì bác có thể gửi đơn khiếu nại đến Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa để yêu cầu giải quyết quyền lợi cho chồng mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bác hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bác vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thị Linh – Luật Sư Toàn Quốc

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *