Tư vấn về đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tôi làm việc ở một trường mầm non tư thục ở H, trong khi ký hợp đồng lao động là sau 6 tháng thì giáo viên được đóng bảo hiểm. Nhưng đến nay thời gian làm việc đã được 2 năm mà chủ trường không đóng bảo hiểm xã hội cho tôi. Chủ trường nói nếu giáo viên muốn đóng bảo hiểm xã hội thì phải tự đóng hoàn toàn 100%. Trường mầm non làm như thế là đúng hay sai, quy định thế nào, xin hỏi tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty luật Toàn Quốc, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

…”.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, cơ quan nơi bạn làm việc phải có trách tham gia bảo hiểm xã hội cho bạn.

Theo đó, tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau:

– Mức đóng BHXH bắt buộc

Căn cứ điểm 1.1 khoản 1 Điều 5 Quyết định 595/QĐ- BHXH quy định như sau:

“Điều 5. Mức đóng và trách nhiệm đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Mức đóng và trách nhiệm đóng của người lao động

1.1. Người lao động quy định tại Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, và Tiết b Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

2. Mức đóng và trách nhiệm đóng của đơn vị

2.1. Đơn vị hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 và Tiết b Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4 như sau:

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

b) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.”

Theo quy định trên, mức đóng BHXH bắt buộc cho bạn và người sử dụng lao động được xác định như sau:

+) Người lao động: đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

+) Người sử dụng lao động: đóng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

– Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Tại khoản 1 Điều 44 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định như sau:

“Điều 44. Mức đóng, nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại Điều 43 của Luật này vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.”

Ngoài ra, tại Điều 22 Quyết định 595/QĐ- BHXH quy định:

Điều 22. Mức đóng và phương thức đóng theo quy định tại Điều 44 Luật An toàn, Vệ sinh lao động các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Từ ngày 01/6/2017, người sử dụng lao động hằng tháng đóng bằng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 21.

Như vậy, từ ngày 01/6/2017, hàng tháng người sử dụng lao động đóng bằng 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Mức đóng BHYT

Căn cứ  khoản 1 Điều 18 Quyết định 595/QĐ- BHXH quy định như sau:

“Điều 18. Mức đóng, trách nhiệm đóng BHYT của các đối tượng theo quy định tại Điều 13 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Đối tượng tại Điểm 1.1, 1.2, Khoản 1 Điều 17: mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 6.”

Theo quy định trên, mức đóng BHYT được xác định như sau:

+) Người sử dụng lao động  : đóng 3% mức tiền lương tháng đóng BHYT

+) Người lao động                : đóng 1,5%  mức tiền lương tháng đóng BHYT

– Mức đóng BHTN

Căn cứ Điều 14 Quyết định 595/QĐ- BHXH quy định:

“Điều 14. Mức đóng và trách nhiệm đóng theo quy định tại Điều 57 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

2. Đơn vị đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN”.

Theo quy định trên, mức đóng BHTN cho người lao động, người sử dụng lao động được xác định như sau:

+) Người lao động: đóng bằng 1% tiền lương tháng

+) Người sử dụng lao động: đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì tổng mức đóng bảo hiểm hàng tháng là 32%. Trong đó, mức đóng của người lao động là 10,5%, mức đóng của người sử dụng lao động là 21,5 %.

Trường hợp, nếu đơn vị chị không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động thì chị có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Phòng lao động – thương binh và xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết. Theo đó, công ty sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

“3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *