Tư vấn về khiếu nại liên quan đến trợ cấp thôi việc và khởi kiện đối với tranh chấp về trợ cấp thôi việc

Tư vấn về khiếu nại liên quan đến trợ cấp thôi việc và khởi kiện đối với tranh chấp về trợ cấp thôi việc

Luật sư tư vấn về vấn đề khiếu nại liên quan đến trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động và thủ tục khởi kiện tranh chấp về trợ cấp thôi việc, Cụ thể như sau:

Luật Minh gia cho tôi hỏi:Tôi đã có đơn xin thôi việc, chấm dứt HĐLĐ và

ngày 28/8/2017 Ông chủ tịch HĐQT công ty đã có quyết định số 15/QĐ -HĐQT  về việc cho thôi  việc đối với cán bộ; Tại điều 2 quyết định ghi rõ: tôi được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo điều 48 của Bộ Luật Lao động;các chế độ theo qui định của BHXH.

Tuy nhiên đến ngày 07/11/2017 Tôi vẫn chưa được nhận Trợ cấp thôi việc; Công ty nói là chưa có nguồn;

ngày 07/11/2017 Tôi đã gửi đơn Khiếu nại theo Nghị định 119/2014/NĐ – CP. ( Đơn có gửi cho Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, ban Kiểm soát, công đoàn công ty, thanh tra sở lao động Bắc Ninh ( nơi đơn vị có trụ sở: đường TS 19, KCN Tiên Sơn, Bắc ninh);

Ngày 21/11/2017 Ông  Phó Phòng Tổ chức nhân sự có nhắn Tin đề nghị Tôi đến Nhận Trợ Cấp Thôi việc; mà công ty không có quyết định giải quyết khiếu nại gửi cho tôi;Tôi được Biết qua anh em trong cơ quan: Giám đốc công ty lại có quyết định chỉ chi trả cho tôi 02 Tháng lương theo điều 49 BLLĐ.

Luật sư cho tôi hỏi:1. Việc trả sai như vậy tôi phải làm gì?2.  Kể từ ngày Tôi Khiếu nại và công ty đã có giải quyết sai, Tôi chưa nhận được văn bản giải quyết thì tôi phải làm gì để yêu cầu công ty trả trợ cấp thôi việc cho tôi;3.Sau 30 ngày kể từ ngày Tôi Khiếu nại lần đầu không được giải quyết Tôi có tiếp  tục gửi đơn khiếu nại lần 2 đến Phòng thanh tra lao động thuộc sở lao động  không;và gửi đên cho Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, ban Kiểm soát, công đoàn công ty, thanh tra sở lao động không;4. Nếu Tôi khởi kiện dân sự thì thủ tục thế nào.

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sư Toàn Quốc! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1, Điều 14, Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì trợ cấp thôi việc được chi trả cho người lao động trong những trường hợp sau:

“1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động.”

Khoản 2, Điều 14 Nghị định này cũng quy định về trường hợp chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động trong các trường hợp:

“Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Khoản 10 Điều 36, Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động”

Theo như bạn có đề cập thì bạn đã gửi đơn xin thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động và đã được Chủ tịch Hội đồng quản trị kí quyết định cho thôi việc. Như vậy, đây là trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và vì vậy trong trường hợp này công ty có quyết định trả trợ cấp thôi việc cho bạn tại Điều 2 của quyết định 15/QĐ –HĐQT là đúng với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau đó, Giám đốc công ty lại có quyết định chỉ chi trả cho bạn 02 Tháng lương theo điều 49 BLLĐ thì bạn cần xác định về thời gian bạn bắt đầu làm việc tại Công ty để tính trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật lao động có quy định trợ cấp thôi việc như sau:
 

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.

 Đối với trường hợp này, nếu công ty không chi trả cho bạn thì  bạn có thể gửi khiếu nại lần đầu để khiếu nại lại quyết định từ phía công ty theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 119/2014/NĐ-CP:

“Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân dạy nghề; tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 17 Nghị định này.”

Sau đó, nếu phía công ty không có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lí hoặc bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của công ty thì bạn có thể gửi khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh để yêu cầu giải quyết khiếu nại theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, Nghị định 119/2014/NĐ-CP:

“Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.”

Thứ hai, theo như bạn có đề cập, do phía công ty không trả trợ cấp thôi việc cho bạn trong thời gian luật định nên ngày 7/11/2017 bạn đã gửi đơn khiếu nại đến công ty yêu cầu chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn nên trường hợp của bạn được coi là trường hợp khiếu nại đối với hành vi hành của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, sau đó, phía công ty không có quyết định giải quyết khiếu nại mà chỉ nhắn tin yêu cầu bạn đến lấy Trợ cấp thôi việc như vậy là hoàn toàn trái với quy định tại Điều 22, Nghị định 119/2014/NĐ-CP:

“Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.”. Trong trường hợp đó, nếu hết thời hạn khiếu nại mà phía công ty không ra quyết định giải quyết khiếu nại thì bạn có thể gửi khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh yêu cầu giải quyết khiếu nại, hoặc có thể gửi khiếu nại lần đầu khiếu nại quyết định chi trả cho bạn 02 Tháng lương trợ cấp mất việc làm (Điều 49,BLLĐ 2012) của giám đốc công ty.

Thứ ba, Khoản 1, Điều 19, Nghị định 119/2014/NĐ- CP quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu: “1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.”

Như vậy, nếu sau 30 ngày kể từ ngày bạn khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì bạn có thể gửi khiếu nại lần hai đến Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, Nghị định 119/2014/NĐ-CP:

Thứ tư, theo quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”. Như vậy, nếu bạn muốn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể tự mình hoặc nhờ người đại diện hợp pháp của mình khởi kiện.

Trường hợp của bạn là trường hợp tranh chấp lao động cá nhân, vì vậy trình tự giải quyết sẽ theo quy định tại Mục 2, chương XIV, Bộ luật lao động 2012. Theo đó, đối với tranh chấp của bạn sẽ không bắt buộc phải thông qua bước hòa giải theo quy định tại Khoản 1, Điều 201, Bộ luật Lao động 2012: “1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

…b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;”

Thời hiệu yêu cầu giải quyết sẽ được tính theo quy định tại Khoản 2, Điều 202, Bộ luật Lao động: “2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.”.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lao động thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 35 và Điểm a, Khoản 1, Điều 39, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Hồ sơ cần thiết để khởi kiện bao gồm:

-Đơn khởi kiện (có thể dùng theo mẫu)

-Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có Sao y bản chính).

-Hợp đồng lao động.

-Quyết định chấm dứt HĐ lao động 

-Quyết đinh chi trả trợ cấp mất việc làm của giám đốc công ty

-Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có);

-Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

Mức lệ phí, án phí bạn có thể tham khảo tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 và danh mục án phí lệ phí tòa án ban hành khem theo Nghị quyết này. Theo đó:

-Đối với tranh chấp về lao động không có giá ngạch mức án phí là 300.000 đồng

-Đới với tranh chấp lao động có giá ngạch:

+Từ 6.000.000 đồng trở xuống mức án phí là 300.000

+Từ 6.000.000đồng đến 400.000.000 đồng mức án phí là 3% giá trị tranh chấp, nhưng không thấp hơn 300.000 đồng…

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Sư Toàn Quốc về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi – Số điện thoại liên hệ: 0926 220 286 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thị Linh – Luật Sư Toàn Quốc

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *