Tư vấn về nội dung hợp đồng đào tạo nghề

Nhờ tư vấn về các điều khoản trong hợp đồng đào tạo nghề có hợp pháp hay không như sau: Vào tháng 10-2012 tôi đã kí một hợp đồng đào tạo thạc sĩ với công ty A. Hợp đồng yêu cầu sao khi tốt nghiệp tôi phải làm việc ít nhất 5 năm cho công ty A. Hiện tại tôi đã hoàn thành chương trình học nhưng lại gặp nhiều vướng mắc phía công ty A như sau:

1. Hướng đào tạo thạc sĩ không phù hợp với công việc mà phía công ty A bắt buộc tôi làm việc.
2. Mức lương công ty A đặt ra cho tôi là 1 năm đầu với lương bậc đại học, từ năm thứ hai nếu hoàn thành tốt công việc và được trưởng phòng đồng ý thì tôi sẽ được hưởng mức lương bậc thạc sĩ.
Mặc khác, hợp đồng đồng đào tạo tham gia bởi 3 bên: công ty A, viện thạc sĩ B và tôi nhưng tôi lại không được giữ 1 bản hợp đồng nào. Hợp đồng chỉ ghi công ty A sẽ trả toàn bộ chi phí đào tạo nhưng lại không ghi rõ là bao nhiêu tiền. Hơn nữa, hợp đồng cũng không quy định vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp của tôi mà chỉ ghi là sẽ phỏng vấn tìm vị trí thích hợp.
Do đó, tôi có 4 câu hỏi như sau:
1. Hợp đồng như vậy có được công nhận không?
2. Công ty buộc tôi làm vị trí không phù hợp với đào tạo và mức lương như vậy có hợp pháp không?
3. Nếu chứng minh được giữa công ty A và phía viện thạc sĩ B có một hợp đồng khác quy định chi phí đào tạo mà tôi không được biết và cũng không giống chi phí đào tạo chính thức của viện thì hợp đồng của tôi có hợp pháp không?
4. Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc cho công ty A, tôi có chỉ định thời gian bắt đầu làm việc trễ nhất là bao nhiêu tháng (tính từ lúc tôi chính thức tốt nghiệp thạc sĩ)?
Mong nhận được tư vấn từ các luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sư Toàn Quốc, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Về nội dung hợp đồng đào tạo nghề:

Khoản 2 Điều 62 Bộ luật lao động 2012 quy định về nội dung phải có của hợp đồng đào tạo nghề:

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
c) Chi phí đào tạo;
d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động”.

Theo quy định trên, chi phí đào tạo là nội dung cần phải ghi rõ trong hợp đồng. Trong hợp đồng đào tạo nghề của bạn không ghi rõ chi phí đào tạo là bao nhiêu, bạn có thể yêu cầu lập phụ lục hợp đồng để làm rõ điều khoản này. Còn về nội dung vị trí làm việc sau khi đào tạo không là nội dung bắt buộc phải có, do đó việc hợp đồng không quy định là không trái pháp luật. Như vậy, hợp đồng vẫn được công nhận.

Nếu tồn tại hợp đồng về chi phí đào tạo giữa công ty và cơ sở đào tạo mà bạn không được biết thì không đồng nghĩa với việc hợp đồng đào tạo nghề vô hiệu. Việc giao kết hợp đồng về chi phí đào tạo không hề làm ảnh hưởng hay trái ngược với hợp đồng học nghề. Có thể phía công ty và bên cơ sở đào tạo sẽ lập luận rằng đây là phụ lục để quy định rõ về chi phí cho hợp đồng đào tạo. Lúc này pháp luật vẫn công nhận hợp đồng đào tạo nghề và hợp đồng về chi phí đào tạo là hợp pháp.

Về vấn đề vị trí việc làm trong đào tạo nghề

Vì trong hợp đồng đào tạo nghề không ghi rõ công việc sau này bạn học xong nên việc công ty sắp xếp vị trí việc làm dù không đúng theo lĩnh vực đào tạo là được phép. Hợp đồng quy định rõ sau khi học xong bạn phải làm việc cho công ty nên dù vị trí công việc là gì bạn phải tuân theo thỏa thuận đó. Bạn có thể thỏa thuận với công ty để làm công việc phù hợp với ngành nghề đã đào tạo.

Pháp luật về lao động không quy định thời hạn cụ thể nào về thời gian bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động khi người lao động hoàn thành khóa đào tạo. Khi nào làm việc là hoàn toàn do các bên tự thỏa thuận. Công ty có thể yêu cầu bạn đi làm việc ngay hoặc công ty sẽ ký hợp đồng lao động với bạn với thời hạn cụ thể.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *