Tư vấn về xin nghỉ việc khi còn nợ tiền công ty

Tôi đã làm việc tại công ty cũ hơn 10 năm, trong quá trình làm việc giữa hai bên có phát sinh công nợ. Xin hỏi nay tôi làm đơn xin thôi việc thì công ty có được quyền giữ sổ bảo hiểm của tôi hay không? quy định pháp luật về giải quyết chế độ nghỉ việc trường hợp của tôi thế nào? mong luật sư tư vấn, Tôi xin cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, tại Bộ Luật Lao động 2012:

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Do đó, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải hoàn trả lại sổ bảo hiểm cho chị và những giấy tờ khác mà họ giữ của chị.

Thứ hai, Nếu giữa 2 bên đã phát sinh nợ tiền, thì có thể thỏa thuận về việc trả nợ, và khoản nợ này được xác định giữa 2 bên là về lĩnh vực dân sự, sau khi chị làm đơn xin thôi việc, quan hệ lao động sẽ được giải quyết và chấm dứt, khoản nợ này vẫn là nợ dân sự thuộc quan hệ dân sự, công ty không có quyền giữ sổ bảo hiểm của chị để làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ.

Tại nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, quy định:

Điều 8. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật lao động; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. 

Khi người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm cho chị sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, có đã vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm của mình.

Do đó, chị chỉ cần đảm bảo thời hạn báo trước 45 ngày trước khi nghỉ việc cho người sử dụng lao động để được chấm dứt hợp đồng lao động và thanh toán các chế độ chấm dứt hợp đồng lao động.

Về khoản nợ với công ty, chị và bên công ty có thể xác lập hoặc căn cứ vào hợp đồng vay nợ đó để thỏa thuận về việc trả nợ, lúc này giữa 2 bên phát sinh quan hệ dân sự thông thường. Chị và phía công ty cũng có thể thỏa thuận về việc khấu trừ tiền lương hưởng sau khi nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tùy theo thực tế mà chị và phía công ty có thể thỏa thuận về phương thức trả nợ. Nhưng chế độ nghỉ việc của chị vẫn được giải quyết theo quy định của Luật Lao động.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *