Tự ý nghỉ việc khi bị thuyên chuyển công tác có sao không

Hỏi: Chào quý công ty Luật Sư Toàn Quốc, kính mong quý công ty tư vấn giúp tôi trường hợp như sau: năm 2011 tôi ký hợp đồng không xác định thời hạn với công ty của tôi,với công việc thủ kho, đến tháng 12-2013 tôi xin tạm hoãn thực hiện hợp đồng 3 tháng để đi chữa bệnh.

Sau khi hết thời gian tạm hoãn tôi quay trở lại công ty thì công ty không bố trí công việc cho tôi nên đã điều chuyển tôi ra sang làm ở một chi nhánh của công ty tại tỉnh khác. Vì không đồng ý với quyết định điều chuyển này thì sau khi làm việc được 2 tuần tại công ty mới tôi đã tự ý nghỉ 10 ngày liên tiếp. Tôi được biết giám đốc công ty đã họp kỷ luật và sa thải tôi. Vậy tôi muốn hỏi việc điều chuyển của công ty đối với tôi là hợp pháp không? Quyết định sa thải tôi của công ty là đúng hay sai? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Sư Toàn Quốc, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn xin tạm hoãn hợp đồng lao động với công ty 3 tháng và khi đi làm lại thì bị điều chuyển công tác sang đơn vị mới. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc tạm hoãn hợp đồng này được sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Căn cứ:

Điều 32 – Bộ luật lao động 2012. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.

2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.

Trong trường hợp của bạn, công ty không bố trí công việc cho bạn nên đã thuyên chuyển công tác của bạn đến đơn vị mới có thể với lý do do nhu cầu sản xuất kinh doanh. Việc này pháp luật hoàn toàn cho phép. Căn cứ:

Điều 31 – Bộ luật lao động 2012. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

Tuy pháp luật cho phép việc người sử dụng lao động có quyền điều động người lao động đến nơi làm việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc trừ khi 2 bên có thỏa thuận khác. Khi điều chuyển công tác, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động 3 ngày làm việc. Về việc điều chuyển công tác này, bạn cần chú ý đến nội dung của quyết định để xem có đúng quy định của pháp luật không.

Về việc bạn tự ý nghỉ việc 10 ngày không phép, bạn hoàn toàn sai. Bởi lẽ, theo quy định cảu pháp luật, người lao động tự ý nghỉ 5 ngày không phép cộng dồn trong một tháng thì công ty có quyền ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải đối với người đó. Căn cứ:

Điều 126 – Bộ luật lao động 2012. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Giả sử như trong trường hợp bên phía công ty có sai về việc chuyển công tác của bạn thì bạn có thể làm đươn khiếu nại quyết định hành chính của công ty và gửi đến người ra quyết định đó. Bạn có thể yêu cầu họ trả lời bằng văn bản cụ thể về lý do ra quyết định, căn cứ vào quy định nào để ra quyết định đó. Bạn không thể lấy việc tự ý nghỉ ra để phản đối lại quyết định trái pháp luật của công ty. Tuy nhiên, khi họp kỷ luật và ra quyết định sa thải bạn, bên phía công ty vẫn phải tuân thủ đúng trình tự họp hội đồng xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật như sau:

Điều 123 – Bộ luật lao động 2012. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

Do đó, bạn có thể làm đơn khiếu nại đến ban giám đốc về việc họp hội đồng kỷ luật nhưng không có sự có mặt của bạn.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *