Vi phạm pháp luật lao động và các chế tài liên quan

Tôi có một số câu hỏi xin được nhờ hãng phân tích, tư vấn giúp đỡ về vi phạm luật lao động như sau: Ngày 15/7/2013 tôi được nhận vào làm việc với tại 1 doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Cao su… với hợp đồng thử việc 03 tháng. Đến ngày 01/6/2014 tôi mới được Công ty kí kết hợp đồng có thời hạn là 01 năm. Trong thời gian đó tôi vẫn đi làm và nhận lương bình thường.

Hỏi: Vậy trong thời gian kể từ khi hết hạn hợp đồng thừ việc là ngày 15/10/2013 – 31/5/2014 tôi có được hưởng quyền lợi gì không? Như BHXH… các chế độ khác.
– Ngày 9/6/2015 tôi xin thôi việc tại đơn vị. Và tôi được đóng BHXH từ tháng 07/2014 – 06/2015 là đủ 12 tháng.
Hỏi: Vậy từ khi nghỉ việc trong thời gian là bao nhiêu ngày tôi mới được rút sổ BHXH và bao nhiêu ngày là đăng kí BHTN với Phòng Lao động, Thương binh & xã hội.
Hỏi: Bắt đầu từ 01/01/2015 – 06/2015: Theo luật tôi có được nhận lương nghỉ phép năm hay không? Tôi chưa nghỉ phép trong thời gian trên.
– Theo Doanh nghiệp của ngành thì từ khi kí hợp đồng làm việc. Công ty sẽ chi trả lương theo bằng cấp + phụ cấp khác. Tôi làm từ đầu năm 01/01/2015 – 6/2015.
Hỏi: Khi thôi việc tôi có được hưởng lương truy lĩnh tiền chênh lệch lương cuối năm hay không? Nếu có thì hưởng như thế nào?.
Xin được nhờ hãng luật Toàn Quốc tư vấn, phân tích giúp đỡ cho tôi các thắc mắc trên.
Chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Sư Toàn Quốc! Sau đây, chúng tôi xin tư vấn yêu cầu của anh như sau:

Câu hỏi thứ nhất:

Trong trường hợp hết  hạn hợp đồng thử việc, mà người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng thì sẽ bị xử  phạt hành chính, mức tiền phạt được quy định tại nghị định 95/2013 về xử  phạt hành chính trong lĩnh vực lao động – bảo hiểm như sau:

Đối với người sử dụng lao động, xử phạt theo nghị định 95/2013 như sau:

Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

Người sử dụng lao động  vi phạm các quy định liên quan tới bao hiểm xã hội sẽ bị xử phạt như sau:

2. Vi phạm quy định liên quan đến Bảo hiểm xử phat như sau:

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp”.

Ngoài ra, để khắc phục hậu quả  thì người lao động buộc phải thực hiện công việc sau:

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này”.

Tuy nhiên, từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (31/5/2014) tới nay đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính cũng như thời hiệu khởi kiện. Thời gian anh làm không ký kết hợp đồng lao động sẽ được tính là thời gian thực tế làm việc để trợ cấp thôi việc cho anh sau khi chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp.

Điều 48 BLLĐ quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.

Câu hỏi thứ hai:

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 47 BLLĐ 2012 thì trách nhiệm trả sổ bảo hiểm cho người lao động được xác định như sau:

“ 2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

Như vậy, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì bên người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả cho người lao động sổ bảo hiểm xã hội.

Căn cứ vào Điều 8 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hành vi không trả sổ BHXH đúng thời hạn cho người lao động sẽ bị xử phạt:

1. Phạt tiền

Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Câu hỏi thứ ba:

Điều 111. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm”
.

Theo như anh trình bày, anh mới làm việc được 6 tháng, như vậy chưa đủ điều kiện được nghỉ hàng năm theo quy định tại khoản 1 Điều 111 BLLĐ 2012.

Câu hỏi thứ tư:

Anh được hưởng lương theo thang, bảng lương + phụ cấp theo hợp đồng lao động hoặc theo quy định của công ty. Khi anh thôi việc, sẽ chấm dứt quan hệ lao động; giữa anh và công ty không còn bất kỳ mối quan hệ nào khi đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ khi nghỉ việc.

0/5 (0 Reviews)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *